Thực trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến nhưng mỗi địa phương xử lý vi phạm cũng khác nhau. Có nơi xử lý nghiêm, buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả những công trình nhỏ. Nhưng, có nơi lại áp dụng hình thức ban hành quyết định phạt, làm lơ để tồn tại, từ đó pháp luật bị xem thường và xuất hiện càng nhiều trường hợp vi phạm xây dựng.
Việc xây trái phép chỉ phạt rồi để tồn tại, hay ban hành quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện, đã khiến người dân hoài nghi có sự móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý trật tự xây dựng. Bởi lẽ, công trình xây sai phép, trái phép vẫn cho tồn tại và chỉ xử phạt hành chính, chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa cho sai phạm.
Công trình xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý
Đây là tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, đã tiếp sức cho ra đời thêm nhiều công trình xây sai phép, trái phép vẫn tồn tại. Và suy cho cùng, mục đích của người vi phạm vẫn tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp.
Điển hình như huyện Ba Vì (Hà Nội) xin hợp pháp hóa 50 biệt thự của dự án Điền Viên Thôn ở xã Yên Bài và 25 biệt thự tại đồi Đống, xã Vân Hòa, trong bối cảnh những biệt thự này được xác định là xây dựng trái phép, mua bán bất hợp pháp. Hay công trình “nóng” tại thời điểm này như: Chung cư Housinco Premium Nguyễn Xiển (Hà Nội)… đã xây dựng sai giấy phép. Thế nhưng, công trình trên lại được gia hạn thời gian để “hợp thức hoá” vi phạm đã thực hiện.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, vi phạm trật tự xây dựng là vấn đề nóng đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, các bộ, ngành và chính quyền nhiều địa phương đang đề xuất tăng cường chế tài xử phạt đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. “Nếu các cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi giấy phép xây dựng của công trình vi phạm không khác gì đang tiếp tay cho những vi phạm. Thực tế này, sẽ tiếp tục tạo thành tiền lệ xấu cho các cá nhân, tổ chức sau này”- ông Tùng nói.