Dân Việt

Đà Nẵng lấy ý kiến đặt tên đường hai giáo sĩ có công chế tác chữ Quốc ngữ

Anh Tuấn 07/10/2019 22:06 GMT+7
Hai giáo sĩ (linh mục) có công hình thành chữ Quốc ngữ như Francisco De Pina (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes (Pháp) đang được Đà Nẵng xem xét đặt tên đường.

Nguồn tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng ngày 07/10 cho biết đang lấy ý kiến dự thảo Đề án đặt, đổi tên các tuyến đường ở quận Cẩm Lệ (57 đường), quận Hải Châu (16 đường), quận Liên Chiểu (28 đường), quận Ngũ Hành Sơn (17 đường), quận Sơn Trà (10 đường), quận Thanh Khê (03 đường), huyện Hòa Vang (06 đường); đặt tên 01 cây cầu; điều chỉnh và đặt tên mới 01 đường trước khi trình tại kỳ họp thứ 12 (cuối năm 2019) của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX.

img

Nhà thờ Thiên chúa giáo Anrê Phú Yên, thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - nơi giáo sĩ Francisco de Pina đặt nền móng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ. (Ảnh: Hải Châu)

Theo đó, thành phố dự kiến đặt tên nhiều tuyến đường để ghi nhận và tôn vinh công lao của những người có nhiều đóng góp cho đất nước như Mẹ Suốt (1906-1968); Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều (1945-1972); nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003); Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông (1926-2010)...

Đáng chú ý, hai giáo sĩ (linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes được đề nghị đặt tên cho hai tuyến đường ở khu Đông Nam đài tưởng niệm thành phố thuộc quận Hải Châu.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, hai giáo sĩ nói trên có công rất lớn trong quá trình tạo ra chữ Quốc ngữ, giúp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy được các nhà sử học, nghiên cứu văn hóa giới thiệu cho Sở nhưng khi lấy ý kiến người dân đã có một số cán bộ hưu trí nêu quan điểm không đồng ý.

Ông Hùng cho biết tại các hội thảo tổ chức ở Hội An và Bình Định, các chuyên gia đều đánh giá cao công lao của những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, kể cả người Việt Nam và các giáo sĩ nước ngoài. Tới đây, Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng dự kiến tổ chức Hội thảo 100 năm tôn vinh chữ Quốc ngữ chắc chắn sẽ giúp dư luận có cái nhìn khách quan hơn.

Theo đề án, Alexandre De Rhodes được đề nghị đặt cho đoạn đường có điểm đầu là đường Francisco de Pina (tên đường dự kiến đặt đợt này), điểm cuối là đường Nại Nam 7,5m đang thi công. Đường có chiều dài 850m, rộng 10,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m, mặt đường bằng bê tông nhựa.

Các ý kiến gửi đến mục “Góp ý dự thảo" tại website Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng (https://vhtt.danang.gov.vn) hoặc gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tại tầng 17, Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, quận Hải Châu, trước ngày 30/10/2019./.

Alexandre De Rhodes (1593 - 1660), giáo sĩ xuất thân ở Avignon (miền Nam nước Pháp) trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 1624, ông được cử đến Đàng Trong (Việt Nam); đến năm 1627 ông cùng một giáo sĩ Bồ Đào Nha là Marquez đến Đàng Ngoài thực hiện truyền đạo. Năm 1630, ông bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài và phải về dạy học tạ Áo Môn (căn cứ của Bồ Đào Nha ở Trung Quốc).

Năm 1640, Alexandre De Rhodes lại được cử vào Đàng Trong nhưng sau 7 tháng hoạt động thì bị chính quyền nhà Nguyễn trục xuất. Từ đó đến năm 1645, ông còn nhiều lần qua lại Đàng Ngoài, Đàng Trong rồi sau đó mới về Pháp.

Trong thời gian truyền đạo ở Việt Nam, ông và một số giáo sĩ người Bồ Đào Nha, người Ý… đã được Francisco de Pina dạy tiếng Việt để truyền giáo.

Francisco de Pina (1585 - 1625), sinh tại thành phố Guarda thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong ngay sau Biến cố Cửa Hàn năm 1617. Ông cũng đã dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác như Alexandre De Rhodes (Pháp), Antonio de Fonte (Bồ Đào Nha) hay Girolarmo Majorica (Ý)… mới được cử đến Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) vào cuối năm 1624.

Trong lời tựa cuốn “Từ điển Annam - Bồ - Latinh/Dictionarium Annamiticum Luistanum e Latinum” xuất bản năm 1651, Alexandre De Rhodes công khai thừa nhận vai trò số một của Francisco de Pina trong việc Latinh hóa tiếng Việt, khẳng định Francisco de Pina là “người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.