Lan tỏa phong trào xây dựng NTM
Ngày 8/10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn năm 2010-2020.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi nhất định, với đặc thù của một tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa, Cà Mau tham gia thực hiện Chương trình với nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm ban đầu của tỉnh tương đối thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí.
Nhận thức được vấn đề, ở giai đoạn 2010-2015, tỉnh chọn 4 xã để chỉ đạo điểm, đồng thời chỉ đạo các huyện, TP.Cà Mau chọn thêm 19 xã để chỉ đạo điểm. Đến giai đoạn 2016-2020, để tập trung chỉ đạo NTM theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM, hàng năm tỉnh rà soát, lựa chọn xã chỉ đạo điểm, đồng thời ban hành quyết định phân công các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã đã đạt chuẩn NTM và các xã dự kiến đạt chuẩn đến năm 2020.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn năm 2010-2020. Ảnh: Chúc Ly.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời đến các cấp, các ngành với nhiều nội dung, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đến nay, đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng ở nhiều nơi hăng hái tham gia xây dựng NTM.
Theo đó, đến nay tổng nguồn lực đầu tư cho Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2019 là hơn 5.923,5 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách các cấp hơn 3.054,4 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 444,7 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 768,4 tỷ đồng; vốn dân góp hơn 1.655,9 tỷ đồng.
Qua gần 10 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM bước đầu đã tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, diện mạo nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và việc làm của nhân dân được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ...
Các làng nghề truyền thống ở Cà Mau được quan tâm, phát triển. Ảnh: Chúc Ly.
Đến nay, tổng số tiêu chí toàn tỉnh đạt được 1.119 tiêu chí, bình quân đạt hơn 13,6 tiêu chí/xã, tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm xuất phát năm 2010 (3,5 tiêu chí/xã). Tỉnh có 30/82 xã đạt chuẩn NTM chiếm tỷ lệ 36,6% (tăng 15,9% so với năm 2015, tăng 36,6% so với năm 2010). Tỉnh đang phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra đến năm 2020.
Thu nhập người dân tăng gấp đôi
Theo UBND tỉnh Cà Mau, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM, được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn được đầu tư cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án khác ở nông thôn.
Nhờ đó, đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, trong đó khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người/năm (tăng 2,2 lần so với năm 2010).
Thu nhập của người dân Cà Mau tăng gấp đôi so với năm 2010, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM. Ảnh: Chúc Ly.
Các quy hoạch, chương trình, đề án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt và triển khai thực hiện khá hiệu quả. Tổng giá trị sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp (giá so sánh 2010) đến năm 2018 đạt gần 35.658 tỷ đồng, tăng 15.250 tỷ đồng so năm 2010, bình quân tăng 7%/năm. Tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh) năm 2018 đạt 40.480 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp đạt 11.590 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từng bước được chú trọng; tỉnh Cà Mau định hướng phát triển các vùng ven đô thị huyện, thành phố về sản xuất rau, củ, quả theo mô hình VietGAP. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch và thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã và đang rà soát, đề xuất Chính phủ bổ sung khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản tại huyện Năm Căn, với quy mô khoảng 300ha/khu; chỉ đạo xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, quy mô 332ha.
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 131 hợp tác xã nông nghiệp, với 2.900 xã viên, doanh thu bình quân đạt 750 triệu đồng/hợp tác xã và doanh thu trung bình đối với thành viên của hợp tác xã 30 triệu đồng/người/năm; có 1.015 tổ hợp tác nông nghiệp, với 13.378 tổ viên, thu nhập bình quân của thành viên trên 2 triệu đồng/tháng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau, thông tin: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM của các năm qua chưa đạt, chưa được công nhận; thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm để hoàn thành các tiêu chí, công nhận các xã có kế hoạch đạt chuẩn năm 2020.
Cà Mau cũng phấn đấu hoàn thành, công nhận các xã nằm trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn của các huyện, những xã có số tiêu chí đạt khá để phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra đến năm 2020.
“Tỉnh tập trung huy động, lồng ghép đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tập trung xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, thiết chế văn hóa… Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy định chỉ tiêu của các tiêu chí còn bất cập. Đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tập trung thực hiện có hiệu quả, tạo đột biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm chủ lực của tỉnh” - ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu có từ 1 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn NTM và có 3 huyện đạt từ 6 tiêu chí trở lên; từ 41 xã trở lên đạt chuẩn NTM, từ 5 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có từ 27 ấp khó khăn đạt chuẩn NTM; đạt bình quân từ 16,5 tiêu chí/xã trở lên, thu nhập tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2015. |