Dân Việt

"Ký ức ngày trở về" - xúc động lời kể của người giao liên 89 tuổi

Hoàng Thành 08/10/2019 16:44 GMT+7
Với sức trẻ sôi sục, ông Hoàng Quân Tạo cùng các chiến sỹ đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, qua các phố như Hàng Ngang, Hàng Cân, Hàng Bồ, Hàng Bút... để tạo thành con đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng...

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức giao lưu với nhân chứng lịch sử: “Ký ức ngày trở về”.

Tại buổi giao lưu, ông Hoàng Quân Tạo - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946 - 1954, Ủy viên ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò; nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã chia sẻ về ký ức Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần quyết tử của quân và dân thời điểm đó.

img

Ông Hoàng Quân Tạo - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946 - 1954, chia sẻ về ký ức Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần quyết tử của quân và dân thời điểm đó.

Người giao liên tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nội, cha mất khi ông mới 2 tuổi, đến năm 5 tuổi thì mẹ đi bước nữa, ông phải về ở với bà ngoại trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Để phụ giúp gia đình, ông sớm phải bươn trải, mưu sinh bằng các nghề như bán báo, đánh giầy.

Năm 12 tuổi ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà. "Lúc đó, tôi còn bé chưa được cầm súng, chỉ mang lựu đạn tiếp cho các lực lượng, lúc đó ít tuổi nhưng hăng hái lắm, không ngại khó, ngại khổ" – ông Hoàng Quân Tạo kể.

Tiếp mạch câu chuyện, người giao liên năm xưa nay đã 89 tuổi đã chia sẻ về những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào. 

Tháng 12/1946, khi Bác Hồ phát động khi Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến tháng, ông đi theo lực lượng tự vệ chiến đấu. Với sức trẻ sôi sục, ông cùng các chiến sỹ đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, qua các phố như Hàng Ngang, Hàng Cân, Hàng Bồ, Hàng Bút... để tạo thành con đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng, đồng thời ông tham gia vào các lực lượng chiến đấu tại các con phố.

Sau 45 ngày chiến đấu, qua một số trận đánh, ông bị sốt cảm và được đưa ra vùng Thanh Trì làm nhiệm vụ liên lạc cho du kích, đến cuối năm 1948 lại chuyển vào hoạt động trong nội thành. 

Đến tháng 6/1952, thì ông bị địch bắt tại 85 Hàng Đường, sau đó bị đánh, tra tấn và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông đã cùng các đồng đội đã địch tra tấn chết đi sống lại nhằm triệt tiêu hoàn toàn tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng.

Mặc dù bị dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng với bản chất kiên cường, tinh thần tiến công của người cách mạng, ông không hề khai báo về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình. Không những vậy, trong thời gian bị giam tại nhà tù Hoả Lò, ông đã cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, cùng nhau tổ chức các lớp học văn hoá, chính trị nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ lý luận tiếp tục hoạt động cách mạng khi có thời cơ. 

"Những người chiến sỹ cách mạng tuy bị địch tra tấn, bạo hành nhưng luôn giữ tinh thần kiên trung bất khuất. Qua những năm tháng tù đày đã trưởng thành, sau khi ra tù lại trở về chiến đấu trên các mặt trận. Hàng năm cứ đến ngày này trong lòng tôi luôn xốn xang và nhiều xúc cảm khi nhớ lại ngày chiến đấu và chiến thắng trở về" – người giao liên năm xưa nói đầy xúc động.

Qua lời kể của ông, ngày ra khỏi nhà tù Hỏa Lò cũng đúng là thời điểm khi Thủ đô được giải phóng. Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ông bồi hổi kể rằng, ngày đó - vào mùa Thu lịch sử 65 năm về trước Thủ đô Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng, khi đoàn quân lớp lớp tiến vào tiếp quản Thủ đô…

Chương trình giao lưu “Ký ức ngày trở về” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức với mong muốn giúp khán giả hiểu hơn về ý chí và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ của những chiến sỹ cảm tử quân; về không khí sục sôi, quyết tử của quân và dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng Thủ đô và đất nước; mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. 

Qua đó, góp phần tri ân quá khứ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm động lực, ý chí phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hiểu được giá trị của hòa bình.