Dân Việt

Dự thảo bỏ xếp loại bằng ĐH: Thay đổi phải phù hợp với thực tế VN

Việt Phương (thực hiện) 09/10/2019 06:30 GMT+7
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GDĐT cho rằng chủ trương loại bỏ xếp loại, hình thức đào tạo trên bằng ĐH cần phải xem xét trong điều kiện thực tế, nếu không sẽ dẫn tới “loạn”.

img

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GDĐT.

Quan điểm của ông như thế nào về dự thảo thông tư bỏ xếp loại trên bằng ĐH?

- Tôi đã lắng nghe những giải trình từ Bộ GDĐT về dự thảo thông tư kể trên. Đặc biệt trong đó có nhắc tới việc loại bỏ xếp loại trên bằng ĐH là để đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với quốc tế là chưa hoàn toàn chính xác. Cụ thể hiện tại trên thế giới có nước bằng ĐH chỉ có duy nhất thông tin người học đã tốt nghiệp, hoàn thành cấp bậc học. Nhưng bên cạnh đó vẫn có rất nhiều nước áp dụng hình thức ghi rõ, chi tiết nội dung trong bằng ĐH.

img

  Niềm vui của sinh viên ngày nhận bằng tốt nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Nói như vậy là để hiểu rằng chủ trương này không sai, tuy nhiên cần phải nhìn nhận rõ vào điều kiện thực tế để thực hiện sao cho phù hợp. Bộ GDĐT không nói điều kiện bỏ đi là gì thì sẽ dẫn đến rối loạn, khi ấy sẽ không có sự công bằng đối với những sinh viên hàng ngày hàng giờ nỗ lực phấn đấu, dẫn tới tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Điều kiện thực tế cần phải như thế nào thì sẽ có thể đảm bỏa được việc bỏ xếp loại như trên?

- Thực tế bằng ĐH ngoài đóng vai trò như một giấy chứng nhận thành quả cố gắng của người học trong suốt thời gian học trong trường, thì nhiệm vụ chính của nó là để người học đi xin việc làm ở các cơ quan nhà nước, tư nhân. Chính vì vậy, bằng ĐH cần phải có đủ thông tin để “hoàn thành nhiệm vụ” này.

Thế nhưng ở Việt Nam thì nhiều đơn vị thậm chí chỉ cần có bằng ĐH là đủ, không yêu cầu bằng xếp loại gì. Ngược lại cũng có cơ quan yêu cầu bằng khá trở lên. Tức là ngay cả trong việc tuyển dụng, nhà tuyển dụng cũng chưa thể thống nhất được quy chuẩn nào cho bằng đại học hiện tại. Vì thế đối với các cơ quan tuyển dụng yêu cầu chi tiết bằng cấp thì thông tin trên bằng ĐH lại rất cần thiết.

Việc không ghi hình thức đào tạo sẽ gây ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

- Việc tiến tới thống nhất văn bằng ĐH thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới, nhưng sẽ chỉ tạo được đồng thuận khi chất lượng của các hình thức đào tạo ngang nhau. Ngược lại, khi chất lượng không như nhau thì chưa thể cấp một loại văn bằng, vì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến

Lo lắng này xuất phát từ thực tế thời gian qua đã có không ít tiêu cực trong đào tạo của hệ vừa học vừa làm, đào tạo văn bằng 2 bị phanh phui. Không ít nơi đào tạo theo kiểu cắt xén, nhanh gọn, thậm chí “không học cũng có bằng” mà trường hợp sai phạm ở ĐH Đông Đô thời gian gần đây là một ví dụ điển hình.

Nhưng khái niệm khung trình độ quốc gia hiện nay rất chung chung, chưa có gì cụ thể. Khung trình độ quốc gia cần phải xây dựng cụ thể của lĩnh vực đào tạo, ngành đào tạo. Ngoài ra, quy trình đào tạo hiện nay cũng không rõ ràng. Như hệ vừa học vừa làm đào tạo theo kiểu cắt xén, nhanh gọn. Tôi cho rằng, chủ chương của Bộ GDĐT là đúng, mục đích đúng vì làm như vậy không phân biệt người học. Nhưng, tất cả phải có điều kiện để đảm bảo được xã hội chấp nhận. Nếu để thả nổi thì sẽ có hậu quả rõ ràng.

Xin cảm ơn ông!