Theo báo cáo mới nhất của Grab trong sự kiện ra mắt GrabKitchen tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2019, nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood đã đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400%, ghi nhận số lượng đơn hàng xử lý trung bình hàng ngày lên đến 300.000 đơn hàng. Đồng thời, theo nghiên cứu độc lập của của Kantar công bố vào tháng 8/2019, 87% người tiêu dùng tại Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn mà họ sử dụng thường xuyên nhất.
GrabKitchen đầu tiên đã "mọc" lên tại TP.HCM.
Động thái mới nhất của GrabFood là GrabKitchen đầu tiên tại Việt Nam (đặt tại quận Thủ Đức, TP.HCM) - nơi đang quy tụ 12 thương hiệu ẩm thực như cơm, bánh mì,... Món ăn của tất cả các nhà hàng trong "nhà bếp công nghệ" này sẽ hiển thị trên một thực đơn duy nhất, giúp khách hàng lựa chọn kết hợp các món mặn và món ngọt trên cùng một đơn hàng.
GrabKitchen là dự án được Grab chủ động đầu tư và thực hiện. Theo Grab, tất cả các thiết kế trong GrabKitchen đều tuân thủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, bao gồm việc không gian cho việc chế biến thực phẩm, không ngập nước, có bể chứa mỡ, hệ thống xả thải tách biệt,… Bên cạnh đó, toàn bộ nhà hàng có mặt tại GrabKitchen được yêu cầu phải đăng ký xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm riêng biệt cho khu vực gian nấu.
Bên cạnh việc hỗ trợ địa điểm, Grab cũng đầu tư lắp đặt máy POS (máy báo nhận đơn) miễn phí cho các nhà hàng hoạt động tại GrabKitchen. Đối tác tài xế nhận đơn tại Kitchen chỉ cần đến báo số đơn và chờ nhận món, lược bỏ các quy trình mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng.
Được biết, Việt Nam là nước thứ hai mà Grab triển khai mô hình GrabKitchen. Riêng tại thị trường Indonesia, tính đến tháng 9 năm nay, chỉ trong vòng 6 tháng, Grab đã mở 10 “căn bếp trung tâm", hướng đến mục tiêu đạt 50 GrabKitchen vào cuối năm nay.
Thời đại công nghệ 4.0 đem đến cho các đầu bếp một cách tiếp cận mới về sở thích, thị hiếu của người dùng.