Du Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972).
Thập niên 1980-1990, thơ ông xuất hiện trên Los Angeles Times và New York Times. Thơ ông được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam (liên Đại học Berkeley, UCLA, London ấn hành; là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại châu Âu).
Ông là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 có thơ dịch trong tuyển tập World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time (W.W. Norton New York, 1998). Du Tử Lê cư ngụ tại Garden Grove, Nam California (Mỹ).
Nhà thơ Du Tử Lê thăm Hữu Loan lúc sinh thời.
Một số tác phẩm của Du Tử Lê được xuất bản ở Việt Nam thời gian gần đây: Tuyển thơ Giỏ hoa thời mới lớn; tiểu thuyết Với nhau, một ngày nào; tập tùy bút Trên ngọn tình sầu; tùy bút Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời; tuyển thơ Khúc Thụy Du; tùy bút Giữ đời cho nhau; tập thơ Chúng ta, những con đường...
Thơ Du Tử Lê có sức sống bền bỉ, có thể “sống sót” qua những thay đổi thế cuộc và vượt trên những áp đặt trong lẫn ngoài văn chương.
Nhiều nhạc sĩ phổ nhạc của ông, như: Anh Bằng, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trần Duy Đức, Ngô Thụy Miên...
Đặc biệt, những bài thơ tình được phổ nhạc và nổi tiếng của ông vừa được in lại trong tập Khúc Thụy Du, như: Khúc Thụy Du (Anh Bằng phổ nhạc), Giữ đời cho nhau (Từ Công Phụng), Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (Phạm Đình Chương)… đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Bài thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" là bài thơ điển hình của ông nói về tình cảm của người xa xứ: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã/hồn không đi sao trở lại quê nhà/khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/bên kia biển là quê hương tôi đó/rặng tre xanh muôn tuổi vẫn xanh rì".
Nhà thơ Du Tử Lê.
Nghe tin nhà thơ Du Tử Lê qua đời, nhà thơ Thanh Thảo vô cùng thảng thốt, dù biết ông bị bệnh ung thư đã lâu. Ông kể một kỷ niệm về Du Tử Lê: "Còn nhớ có lần, nhà thơ Du Tử Lê về Quảng Ngãi làm đám cưới cho con trai, đã đến thăm tôi. Dù chưa gặp nhau lần nào, trong chiến tranh lại từng ở hai chiến tuyến đối địch, nhưng chúng tôi đã hồ hởi chuyện trò với nhau như những người bạn.
Nhà thơ Du Tử Lê cũng vui mừng báo tôi biết là NXB Văn nghệ TP.HCM đã đồng ý in lại tập Thơ tình Du Tử Lê gồm những bài thơ tình yêu thời chiến tranh của anh. Tôi nói với Du Tử Lê là nếu anh in lại tại Việt Nam trường ca Mẹ về biển Đông của anh, tôi tin tác phẩm này sẽ có tiếng vang. Theo tôi, đó là một trong những trường ca hiện đại viết bằng Việt ngữ hay nhất trong 30 năm qua. Năm 2003, khi có dịp ghé Paris, tôi đã được đọc trường ca này ở nhà một người bạn và tôi đã khóc".
"Thơ Du Tử Lê rất nặng tình. Mẹ về biển Đông là điển hình cho phong cách thơ nặng tình ấy. Dù nhân vật “tôi” trong trường ca luôn cố ra tỉnh táo khi ngồi một mình trong nhà tang lễ và suy nghĩ, nhớ lại biết bao điều cùng mẹ mình... Yêu mẹ mình cũng là yêu nước. Hãy viết những câu thơ thật lòng nhất về mẹ mình, và tự nhiên, anh sẽ tìm ra một thi pháp của riêng mình...
Du Tử Lê là một nhà thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ đa cảm. Nhưng vượt lên, anh còn là nhà thơ Việt hiếm hoi viết cả một trường ca về mẹ mình. Chúng ta đọc, và nhớ nghĩ về mẹ chúng ta. Chỉ như thế, chúng ta đã có cơ hội trở thành những người con có hiếu. Tôi mong một ngày không xa, trường ca Mẹ về biển Đông sẽ có ấn bản in tại Việt Nam, như một ước nguyện thầm lặng của mẹ nhà thơ khi qua đời tại xứ người. Và khi đó, linh hồn người mẹ nhiều vất vả của Du Tử Lê mới thực sự về yên nghỉ giữa quê hương mình", nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.
Thơ Du Tử Lê sống trong lòng nhiều độc giả chính là vì cái tình ấy, cùng những rung cảm cháy bỏng, và tính dự báo về thời cuộc.