Những thành tựu ấn tượng
65 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt sau 30 năm đổi mới, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về kinh tế với mức tăng trưởng cao, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục thể hiện rõ sức vươn lên ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đã đóng góp tới 16,46% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), 19,05% về thu ngân sách. GRDP tăng bình quân 7,23%/năm.
Hà Nội đã kế thừa yếu tố truyền thống dựng xây Thủ đô văn minh hiện đại để vươn tầm, có vị trí xứng đáng ở khu vực và thế giới. Ảnh: An Kháng
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012. Riêng năm 2016, Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2019, Hà Nội vẫn lọt vào tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Theo báo cáo của UBND thành phố, về công tác quản lý trật tự văn minh đô thị và cải cách nền hành chính, TP.Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu như: Trồng mới 1 triệu cây xanh, hạ ngầm đường dây 500 tuyến phố; 584/584 xã, phường, thị trấn; 538/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai, hoạt động hiệu quả.
Riêng lĩnh vực nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020)… Diện mạo nông thôn Thủ đô đã thực sự đổi mới, khởi sắc toàn diện và rõ rệt. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 1,16%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 140.000 người/năm; các xã, phường, thị trấn đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng có nhiều điểm nhấn, nhất là giao thông và phát triển nhà ở, làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở phía tây, phía đông và phía nam. Thành phố đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị phía bắc, bằng nhiều dự án khác nhau.
Xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh
Chia sẻ về định hướng phát triển đô thị trong những năm tới, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn xanh - văn hiến - văn minh; triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh gắn với xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…
Với tầm vóc rất quan trọng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch này xác định thực hiện đến 2030 và tầm nhìn 2050, đưa ra mục tiêu phát triển Hà Nội mới: Xanh, văn hiến, văn minh nhưng hiện đại, đặc biệt đưa ra vấn đề dân số Hà Nội đến 2030 chỉ ở mức 9-9,5 triệu người. Quy hoạch đặt yêu cầu, trong quá trình phát triển, Hà Nội phải kế thừa yếu tố truyền thống cả nghìn năm dựng xây Thủ đô, đồng thời đặt yếu tố văn minh hiện đại để Hà Nội vươn tầm, có vị trí xứng đáng ở khu vực châu Á và thế giới.
Theo TS - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội, dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội giai đoạn 2015-2020 thể hiện qua 7 vấn đề lớn. Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án.
Năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Những năm gần đây, nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC (năm 2006), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (năm 2018), gần đây nhất là Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai (tháng 2/2019)… đã khẳng định vị thế của Thủ đô. |