Dân Việt

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng: “Bác sĩ Trần Duy Hưng - một người Hà Nội mẫu mực”

Thủy Tiên 10/10/2019 10:43 GMT+7
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ với Dân Việt về quá trình thực hiện bộ phim "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội".

Ngày 10/10/1954, trong đoàn diễu binh tiến về Hà Nội có một nhân vật đặc biệt, là người con của Hà Nội đi kháng chiến nay trở về xây dựng Thủ đô. Ông là vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội – bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông cũng là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội" của đạo diễn Trịnh Quang Tùng. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, đạo diễn Trịnh Quang Tùng đã chia sẻ với Dân Việt về quá trình thực hiện bộ phim để hiểu thêm về nhân vật mà bộ phim đề cập đến.

img

Bác sĩ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố vẫy chào nhân dân trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (ảnh tư liệu)

Được biết, "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội" là một trong những phim tài liệu nhựa cuối cùng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện. Duyên cớ nào đã đưa anh đến với bộ phim này cũng như quá trình thực hiện phim?

- Khi kịch bản được duyệt, nhận thấy tầm quan trọng và nhân vật xứng đáng làm một phim nhựa nên Cục Điện ảnh quyết định cho bộ phim được sản xuất bằng chất liệu nhựa (35mm) thay cho dự kiến ban đầu là chất liệu video. Đọc kịch bản, tôi thấy Trần Duy Hưng là một người xứng đáng để chúng ta tôn vinh. Ông đi theo Bác Hồ tham gia cách mạng, sau đó trở về Hà Nội vào đúng ngày 10/10/1954, làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (chức vụ tương đương Chủ tịch UBND Thành phố bây giờ). Nhưng qua quá trình gặp các nhân vật trong kịch bản, trong đó bao gồm gia đình, đồng nghiệp, cộng sự, có người quen, có người đã từng làm việc chung với ông Trần Duy Hưng, tôi cảm nhận ông là một người thực sự còn cao và ‘tầm cỡ’ hơn so với trong kịch bản…

img

img

Cảnh thực hiện bộ phim "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội".

…Tức là để đưa nhân vật từ kịch bản lên phim, người làm buộc phải mở rộng hơn, đào sâu hơn?

- Đúng như vậy! Đó cũng là cách để chứng minh được rằng bác sĩ Trần Duy Hưng là một con người có nhân cách, là người sống giản dị, có trí tuệ, là một con người nhân văn, nhân ái. Và bộ phim phải lột tả được chân dung ông với đầy đủ các tố chất này. Chúng tôi đã đi gặp gỡ, phỏng vấn rất nhiều người, nhưng phim nhựa không thể quay quá nhiều nên cần có sự chọn lọc. Nhân vật có câu chuyện nào hay thì mình tập trung vào câu chuyện đó… Tóm lại là tìm mấu chốt, dữ liệu dữ kiện cho thấy Trần Duy Hưng là một vị chủ tịch đã để lại trong lòng người dân thủ đô những điều tốt đẹp. Mở rộng ra là giới thiệu cho nhân dân cả nước biết Hà Nội sau giải phóng được lãnh đạo bởi một vị chủ tịch có trí tuệ và tấm lòng nhân ái.

img

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng

Tôi ấn tượng đặc biệt với nhân vật ông thợ cắt tóc trong phim khi câu chuyện ông ấy kể lại với chi tiết rất dân dã đời thường nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện sự gần gũi và rất khiêm nhường của bác sĩ Trần Duy Hưng. Khi ông Trần Duy Hưng đến tiệm cắt tóc, thấy một người khách nước ngoài đang chờ, có vẻ người này là cán bộ của một sứ quán phương Tây, ông không sử dụng quyền ưu tiên của một lãnh đạo thành phố mà sẵn sàng xếp hàng theo thứ tự trước sau, khước từ cả lời đề nghị ưu tiên của người thợ cắt tóc. Điều đó thể hiện văn hóa ngoại giao và cách ứng xử văn minh của ông Trần Duy Hưng. Cao hơn nữa chứng tỏ ông là người có đầu óc, tầm nhìn lớn, để bạn bè thế giới hiểu rằng người Việt Nam tôn trọng người nước ngoài, biết cách ứng xử giữa quốc gia với quốc gia.

img

Cảnh thực hiện bộ phim "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội"

Rõ ràng, qua câu chuyện nhỏ của người thợ cắt tóc, tôi càng thấy rõ bác sĩ Trần Duy Hưng là người như thế nào, và càng cảm kích về cách ứng xử của ông. Chưa kể tới một câu chuyện khác khi ông mời những người làm công tác vệ sinh môi trường về nhà uống chè, ăn tết cùng. Quả thực, hành động đó là quá hiếm ở thời buổi hiện nay với cả ngươi bình thường, chưa nói đến tầng lớp lãnh đạo.

Nói chung, chúng tôi đã cố gắng cóp nhặt tất cả các thứ mình muốn để miêu tả một cách trọn vẹn và chân thực chân dung bác sĩ Trần Duy Hưng, đồng thời chuyển tải thông điệp làm sao để chúng ta, dù ở vị trí nào, vai trò nào cũng đều có tình thương yêu và trách nhiệm với người xung quanh. Như vậy những người đó bao giờ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng, và giá trị đó chắc chắn sẽ còn mãi.

img

Gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng trên chiến khu Việt Bắc (ảnh tư liệu)

Cái khó khi làm phim chân dung con người lịch sử là sưu tầm tư liệu, anh có thể nói rõ hơn về điều này? Ngoài ra, các anh còn gặp khó khăn gì nữa?

- Chúng ta có ít tư liệu về thời chống Pháp. Hãng có kho tư liệu từ thời chiến tranh, nhưng cũng chỉ có từ năm 1948-1949 trở về đây. Chính vì thế chúng tôi đã đến Cục lưu trữ quốc gia để tìm ảnh, bài viết… nói chung là những gì liên quan đến ông Trần Duy Hưng và nguồn thứ 2 là Thông tấn xã Việt Nam. Một nguồn tư liệu quý nữa là bạn bè ông Trần Duy Hưng, mặc dù chỉ là những cái ảnh nhỏ nhỏ như bao diêm, và nguồn tư liệu của gia đình. Đặc biệt là hình ảnh vô cùng ấn tượng về ông Trần Duy Hưng trong ngày 10/10/1954. Ông đứng trên chiếc com-măng-ca ngay phía sau chiếc xe đầu tiên của tướng Vương Thừa Vũ, vẫy tay chào nhân dân Thủ đô. Tôi đã lấy hình đó làm biểu tượng đúng lúc tên phim hiện lên. Đó là một người từ Thủ đô đi kháng chiến, cũng là người từ Thủ đô kháng chiến trở về tiếp quản Thủ đô vào đúng ngày 10/10/1954. Bức hình đó theo tôi là rất giá trị và tôi cũng thấy mình may mắn khi tìm được nó. Đó là mấu chốt để thấy rõ vai trò của ông Trần Duy Hưng và những cống hiến cũng như trách nhiệm của ông với Thủ đô.

img

Cảnh thực hiện bộ phim "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội"

Ngoài tư liệu là sách báo lịch sử, bài viết và sách của gia đình, chúng tôi cũng tìm hiểu các nhà sử học, để họ có tiếng nói, đánh giá, nhận định về ông. Cụ thể trong phim, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về ông Trần Duy Hưng trong thời kỳ ông tham gia làm cách mạng và sau này trở về xây dựng Hà Nội, sống và chiến đấu cùng nhân dân thủ đô những năm chống Mỹ. Ông Trần Duy Hưng đã tham gia, chỉ đạo, động viên nhân dân trong suốt thời thời chống Mỹ khốc liệt. Như trong phim có hình ảnh ông Trần Duy Hưng đến thẳng phố Khâm Thiên ngay sau khi bom B52 của Mỹ rải thảm để huy động và tham gia cứu người. Điều đó thể hiện trách nhiệm của một người lãnh đạo, không né tránh, không sợ hãi, dám xông pha đến những chỗ khó khăn. Hay như trận lụt năm 1971 ở Hà Nội, hình ảnh ông chủ tịch thành phố xắn quần cùng nhân dân chống lũ, chống lụt quả thực rất ý nghĩa, cho thấy vẻ đẹp đời thường, không có khoảng cách giữa lãnh đạo với người dân.

img

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng (trái) cùng bộ đội tiếp quản Thủ đô trong buổi lễ chào cờ tại sân Cột Cờ Hà Nội (ảnh tư liệu)

Chúng tôi cũng về quê ông Trần Duy Hưng, gặp gỡ các cụ già để xem trước kia ông là người như thế nào. Các cụ không nhớ chính xác từng chi tiết, nhưng họ đều nhớ Trần Duy Hưng khi còn nhỏ học rất giỏi, lớn lên về quê rất gần gũi với người dân quê. Tôi càng cảm nhận đó là con người có nhân cách đẹp và thấy rằng Bác Hồ biết nhìn người và biết sử dụng những con người đức độ như bác sĩ Trần Duy Hưng.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng sử dụng rất hiệu quả nguồn tư liệu quý mà gia đình cung cấp, tuy rằng chất lượng kỹ thuật không còn tốt. Đó là đoạn phim màu ghi lại cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Pháp với ông Trần Duy Hưng. Qua đó để thấy rằng với một phim tài liệu lịch sử thì việc sưu tầm tư liệu và dùng đúng lúc đúng chỗ có giá trị vô cùng. Những giá trị đó không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn để đánh giá, so sánh về tính xác thực của thông tin.

img

Cảnh trong phim "Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một người Hà Nội".

Tiêu đề của phim là: "Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội", tức là phải làm bật lên hai yếu tố Người bác sĩ và Người Hà Nội. Làm thế nào anh dung hòa được hai khía cạnh này với nhau?

- Tên bộ phim ra đời sau quá trình bộ phim được thực hiện. Trần Duy Hưng là người con của Hà Nội và là một bác sĩ, sau này ông ấy cũng thích mình được gọi là bác sĩ hơn là chủ tịch thành phố. Thực ra, tất cả nhân chứng trong các cuộc gặp gỡ với đoàn phim chúng tôi đều nói ông Trần Duy Hưng khi tiếp xúc với bất kỳ ai cũng đều với tâm thế của một người bác sĩ để giúp mọi người chứ không phải tâm thế của người lãnh đạo. Đó là lí do trong quá trình tiếp xúc với bạn bè khi về hưu, ông vẫn nói "Tôi là bác sĩ Trần Duy Hưng".

Ở khía cạnh “Một người Hà Nội” – rõ ràng Trần Duy Hưng là người rất thanh lịch, nhẹ nhàng, gần gũi, mộc mạc, giản dị và là người có ứng xử rất văn hóa, mà nét văn hóa đó phải nằm trong cái nôi văn hóa như: Gia đình gia giáo, thời nhỏ học trường Tây (Chu Văn An), môi trường đó mới giáo dục ông thành người hoàn thiện như vậy. Tôi cho rằng Trần Duy Hưng là người hoàn thiện. Là bác sĩ là tốt rồi, lại là người Hà Nội, sống tại Hà Nội, đóng góp và xây dựng Hà Nội, tôi cho rằng hai cái tên đó trong một con người đã quyện được vào nhau, đúng như tinh thần mà bộ phim đã truyền tải tới người xem.

Xin cảm ơn anh!