Dân Việt

Sư Thích Thanh Toàn đi vắng, chưa bàn giao chùa Nga Hoàng và làm rõ khối tài sản 300 tỷ

Huy Hoàng 10/10/2019 12:00 GMT+7
Sáng 10/10, Đại đức Thích Tâm Vượng cho Dân Việt biết, đến thời điểm hiện tại ông Lê Hữu Long (tức sư Thích Thanh Toàn) không có mặt tại chùa Nga Hoàng nên chưa bàn giao chùa cũng như chưa tiến hành được việc xác minh, làm rõ khối tài sản 300 tỷ.

Theo đó, Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện tại Ban trị sự Giáo hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện nghiêm túc công văn của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xác minh, làm rõ có hay không số tiền 300 tỷ như sư Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long) cũng như nguồn gốc của số tiền đó.

Tuy nhiên, để xác minh và có buổi làm việc rõ về khối tài sản này thì phải có sự có mặt của ông Lê Hữu Long. Nhưng hiện nay ông Long không có mặt tại chùa Nga Hoàng.

img

Ông Lê Hữu Long (sư Thích Thanh Toàn) trong buổi làm việc trước đó với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

“Trong cuộc họp ngày 7/10, ông Lê Hữu Long đã nói, ông xin phép có việc riêng cần giải quyết, nên hẹn ngày 13/10 sẽ có mặt tại buổi làm việc tiếp theo. Vì vậy đến thời điểm hiện tại, tất cả những vấn đề như bàn giao chùa Nga Hoàng, tài sản của chùa Nga Hoàng cùng với việc mua bán đất đang còn nhập nhằng vẫn chưa được thực hiện, vì ông Lê Hữu Long không có mặt ở chùa Nga Hoàng.

Vào buổi làm việc tiếp theo tới đây, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có giấy mời đương sự là ông Lê Hữu Long, mời UBND xã, UBND huyện, bởi họ mới nắm rõ vấn đề mua bán đất giữa các hộ dân và ông Lê Hữu Long”, Đại đức Thích Tâm Vượng nói.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về số đất đai, tài sản 300 tỷ như sư Thích Thanh Toàn nói, Đại đức Thích Tâm Vượng cho hay, với một người đi tu hành không thể có được số tiền lớn như vậy. Ngay cả các doanh nghiệp lớn mạnh về kinh tế cũng chưa chắc dám lên tiếng và nói rằng họ có số tiền 200 tới 300 tỷ.

Với tu sĩ thì lại càng không thể có được số tiền đó. Hơn nữa một người đã bước chân vào cửa Phật thì khi xin xả giới hoàn tục, thông thường sẽ chẳng có tài sản cá nhân, mà toàn bộ tài sản đó thuộc về ngôi chùa, thuộc về Giáo hội Phật giáo.

Trước đó, trong buổi họp thường kỳ ngày 8/10, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng BỘ VHTTDL, người phát ngôn của Bộ cho hay, việc liên quan tài sản cá nhân, số tiền thầy Toàn xin được giữ, hoàn toàn do Ban trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Ban tôn giáo chính phủ sẽ điều chỉnh, Bộ VHTTDL không có thẩm quyền trong việc này, bởi vì vấn đề tôn giáo, cơ sở thờ tự thuộc quản lý của bên Ban tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước nữa, Thượng tọa Thích Đức Thiện  - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của ông Lê Hữu Long, cũng như cần làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ. 

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện: “Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhận được báo cáo nhanh, tài sản của thầy Toàn đứng tên có hơn 6.000m2 đất và một số đất thủy lợi. Dù có đúng theo luật đất đai nhưng theo Luật Phật, một vị Tỳ kheo khi xuất gia thì tất cả tài sản được sử dụng đó đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn)”.

Giải thích thêm về tài sản của người tu hành, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, một vị tỳ kheo chết đi, cái gọi là tài sản bên mình gồm ba tấm y cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, nên không có sự thừa kế ở đây. Y cứ theo Luật Phật, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. Căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội. 

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. Do vậy thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản. Việc thầy lí luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân cũng thuộc về Tăng.