Dân Việt

Gỡ khó giúp lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội

  Nguyệt Tạ 10/10/2019 14:27 GMT+7
Mặc dù có thu nhập không hề thấp, nhưng việc tiếp cận BHXH tự nguyện của lao động di cư tự do đang gặp nhiều khó khăn do sự cản trở trong quá trình tham gia và hạn chế về mặt chính sách.

Lao động tham gia còn hạn chế

Tại buổi tọa đàm chia sẻ thông tin về BHXH tự nguyện do Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT vừa tổ chức, bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện trưởng Viện LIGHT cho biết, lao động di cư tự do là một trong những nhóm lao động yếu thế. Mặc dù công việc vất vả, nhưng họ lại chưa nhận được những sự trợ giúp kịp thời để tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội. Nhiều nhóm lao động di cư như: Nhóm giúp việc gia đình, nhóm bốc vác, nhóm bán hàng rong... có thu nhập trung bình khá nhưng lại bị nghèo hóa bởi một vài tiêu chí như: Nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục...

img

Rất đông người lao động tự do mong muốn được mua BHXH tự nguyện. Ảnh:  Minh Nguyệt

“Đa phần lao động di cư chưa tiếp cận được với chính sách an sinh xã hội. Chỉ có 5% lao động tham gia BHYT, 100% lao động di cư tự do chưa có BHXH tự nguyện” - bà Giang nói.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mặc dù được BHXH quận tuyên truyền nhưng thực tế không phải ai nghe cũng hiểu hết được chính sách, bởi vậy nhiều người chưa tham gia. Theo bà Hạnh với nhiều người, BHXH tự nguyện vẫn là vấn đề mới, mong muốn thời gian tới được BHXH quận Hoàn Kiếm tuyên truyền thêm để cho mọi người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thi - Chủ tịch Nhóm lao động di cư ở quận Hoàng Mai cho biết, 100% lao động di cư tự do quận Hoàng Mai không tham gia BHXH. Nguyên nhân bởi hiện nay chế độ hưởng thấp, chỉ có 2 chế độ. Thêm vào đó, lao động di cư tự do dù có mức thu nhập tương đối cao nhưng không ổn định, bởi vậy họ rất ngại phải tham gia đóng BHXH tự nguyện, sợ phải cam kết đóng lâu dài.

“Vấn đề không phải việc tuyên truyền hay không, vấn đề nằm ở chỗ các chế độ thụ hưởng của BHXH tự nguyện ít hơn hẳn BHXH bắt buộc. Đây là nguyên nhân chính khiến lao động có sự so sánh và không muốn tham gia” - bà Thi nói.

Hướng cải thiện chính sách

Báo cáo BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có 34 triệu lao động tự do, nhưng mới có hơn 280.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, con số lao động tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14 triệu người. Nhìn qua những con số này thì thấy dư địa để mở rộng BHXH tự nguyện còn rất lớn.

Thay vì được hưởng 5 chế độ trong BHXH bắt buộc là: Thai sản, tai nạn, tử tuất, hưu trí, thất nghiệp, thì BHXH tự nguyện chỉ chi trả 2 chế độ là tử tuất và hưu trí. Trong khi đó lao động di cư tự do rất cần có những chính sách ngắn hạn khi tham gia BHXH tự nguyện như: chế độ thai sản, chế độ chi trả an toàn lao động...”.

Bà Nguyễn Thu Giang

Để mở rộng BHXH tự nguyện hướng tới thực hiện BHXH toàn dân, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chủ trương nhằm tăng diện bao phủ của BHXH tự nguyện. Trong năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ từ 10 đến 30% tiền đóng BHXH hàng tháng cho người lao động tùy từng đối tượng; tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương… Với nỗ lực đó, đến thời điểm này, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 240.000 người lên 280.000 người. Tuy vậy, tốc độ tăng vẫn rất chậm.

Theo ông Nguyễn Hải Nam - Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), ngoài những chính sách hỗ trợ trên, hiện nay BHXH Việt Nam, Bộ LĐTBXH cũng đang tính toán để bổ sung chính sách. Có thể tính tới việc bổ sung thêm chính sách ngắn hạn vào chi trả BHXH tự nguyện: Ví dụ như: Bảo hiểm tai nạn lao động, chi trả chế độ thai sản... “Tuy nhiên, có một cái khó là chế độ ngắn hạn thường mang tính chia sẻ nhưng chỉ đối tượng nào nguy cơ thì họ mới tham gia” – ông Nam nói.

Còn theo bà Giang, ngoài những vấn đề cải thiện chính sách theo hướng toàn diện, tăng chế độ thụ hưởng của BHXH tự nguyện thì cơ quan BHXH, địa phương cần tăng khả năng đáp ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng hài lòng của người dân. Có hài lòng, người dân mới đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.