Dân Việt

Putin áp chiến thuật vừa rắn vừa mềm với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Minh Nhật 10/10/2019 13:30 GMT+7
Khác với Mỹ, Nga công nhận quyền đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng đặt ra những lằn ranh đỏ để Ankara không làm đảo lộn các kế hoạch quan trọng của Moscow tại Syria.

img

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ "xóa sổ" nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nhắc nhở đồng minh NATO không nên làm bất cứ điều gì mà ông cho là "vượt quá giới hạn" trong bối cảnh Ankara đang phát động cuộc tấn công vào người Kurd ở Syria thì Moscow lại đưa ra một giai điệu khác.

Ngày 7/10, Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã nhắc lại sự công nhận của Nga đối với quyền đảm bảo an ninh cuả Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội Mỹ rút quân, bật đèn xanh cho Ankara mở chiến dịch tấn công người Kurd - kẻ thù không đội trời chung của nước này.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã định vị họ là một đối tác thực dụng hơn và có khả năng phân phối vũ khí nhiều hơn cho Ankara so với Mỹ. Chẳng hạn như trường hợp Nga bán hệ thống phòng không S-400  cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Với một đối tác khó tính như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã đúc kết 3 điều. Đầu tiên, cần phải thể hiện sự đồng cảm về các vấn đề nhạy cảm và quan trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, đặt ra các lằn ranh đỏ của riêng mình và cơ hội hợp tác trong tương lai của đôi bên. Thứ ba, tận dụng những sai lầm của Mỹ và biến chúng thành cơ hội cho mình. Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin cho thấy Nga đã áp dụng chiến thuật này đối với Ankara.

Tuy nhiên, Moscow vẫn tỏ ra cảnh giác rằng, các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria có thể làm đảo lộn các dự án quan trọng của chính họ, trong đó có đứa con tinh thần của Nga - Ủy ban Hiến pháp Syria.

"Điều quan trọng là phải kiềm chế mọi hành động có thể cản trở thỏa thuận Syria. Chúng tôi hiểu rằng đó sẽ là một con đường dài và chông gai. Nhưng bây giờ, Ủy ban Hiến pháp Syria đã được thành lập và trước khi ngày họp của Ủy ban này được chỉ định, điều quan trọng là phải kiềm chế mọi bước đi có thể gây tổn hại cho thỏa thuận Syria", ông Peskov nhấn mạnh. 

Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của Nga là tương lai của Ủy ban Hiến pháp Syria và Moscow đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ rằng, cuộc tấn công của nước này ở đông bắc Syria không được cản trở tiến trình của Ủy ban.

Ngoài ra, Nga được cho là cũng muốn chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp liên quan đến cam kết của "các quốc gia bảo trợ thỏa thuận Astana" - Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Nhìn chung, bằng cách không ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syra, Nga đã đâm mũi giáo vào mối quan hệ giữa Washington, Ankara và người Kurd để rồi sau đó đóng vai trò là người hòa giải giữa chính phủ Syria và người Kurd, Damascus và Ankara.