Lợi nhuận của các nhà sản xuất và kinh doanh sữa chắc chắn không nhỏ, tên tuổi của các doanh nghiệp cũng ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, đằng sau các thương hiệu vẻ vang đó còn có sự góp sức của một lực lượng, đó là nông dân làm ra nguyên liệu. Giọt mồ hôi thầm lặng và sự nhọc nhằn của những người nông dân này tất nhiên ít ai biết đến. Người nông dân cũng không cần ai ghi nhận công lao. Mối quan tâm duy nhất của họ là được trả công xứng đáng với sản phẩm mà họ làm ra. Nhưng đáng tiếc là điều đó chưa là hiện thực.
Nông dân chăn nuôi cung cấp nguyên liệu sản xuất sữa từng vui mừng khi đọc tin tức giá sữa tăng. Họ cứ nghĩ rằng, giá sữa thành phẩm tăng cao thì giá nguyên liệu sữa cũng tăng được ít nhiều. Họ từng nhiều lần hy vọng như thế, nhưng qua nhiều lần giá sữa tăng, họ vẫn chỉ bán được nguyên liệu với giá cũ. Khoảng chênh lệch giữa giá nguyên liệu và giá sữa thành phẩm mà các doanh nghiệp tung ra thị trường ngày càng xa, và đó cũng chính là khoảng cách giàu nghèo giữa người nông dân với giới kinh doanh. Nông dân không có tham vọng bắt kịp thu nhập với doanh nhân, chỉ được mong là người đồng hành trong quá trình phát triển, anh được lợi nhiều thì tôi cũng được lợi ít, chứ đừng quá bất công.
Từ chuyện sữa nhìn rộng ra nhiều sản phẩm khác như gạo, thủy sản, cà phê. Nông dân nuôi trồng, đánh bắt, canh tác để tạo ra nguyên liệu luôn dừng lại ở mức đủ ăn. Ngay cả những khi sản phẩm họ làm ra được xuất khẩu với giá cao, mang lại thành công kinh doanh lớn do doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế cho đất nước, thì nông dân vẫn như người đứng bên ngoài, không chỉ là một trong những chủ thể tạo ra giá trị đó, xét theo khía cạnh của người được thụ hưởng xứng đáng thành quả mà mình đã bỏ sức đóng góp.
Vì sự ngặt nghèo của thị trường và vì phải làm để kiếm sống, cho nên dù gặp bất công, người nông dân cũng phải cam chịu. Nhưng một xã hội công bằng, hô khẩu hiệu rất nhiều về phát triển nông nghịêp, xây dựng nông thôn mới, chăm lo cho đời sống của người nông dân thì không thể tồn tại sự phi lý như phân tích trên. Nếu không có chính sách hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân sản xuất ra các sản phẩm nguyên liệu, thì cuộc sống của người nông dân Việt Nam cũng chỉ là “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.
Chân Tâm