“Mùa thu đã đến, củ niễng lại chỉ có ở mùa này và trong thời gian rất ngắn. Tôi không phải quê Nam Định nhưng có dịp được thưởng thức món củ niễng xào thịt bò. Tôi vẫn không quên hương vị bùi bùi của củ niễng với độ mềm của thịt bò và nước sột sệt đến lịm lưỡi. Ai biết ở Bắc Ninh chỗ nào bán củ này chỉ tôi với”, đó là những chia sẻ trên mạng xã hội của chị Dung Trần (Quế Võ, Bắc Ninh).
Dưới dòng trạng trái, hàng loạt người dùng mạng xã hội khác cũng hưởng ứng, cho rằng củ niễng ngon đến mức khó tả, chỉ cần ăn một lần là sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của chúng. Tuy nhiên, loại củ này được bán ở Nam Định chủ yếu và một số chợ đầu mối ở Hà Nội, còn những tỉnh thành khác muốn mua cũng khó.
Cây niễng được trồng từ rất lâu ở Nam Định, cây có thể cao lên tới 2 mét, mọc thành từng khóm.
Liên hệ với một nhà trồng niễng ở Nam Định, chị Thủy cho biết củ niễng là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Nam Định. Cây chỉ cho thu hoạch một mùa duy nhất (mùa thu) trong năm và diễn ra trong khoảng 1,5 tháng nên không phải lúc nào muốn mua cũng được.
Niễng là cây được gia đình nhà chị trồng từ rất lâu đời nên hiểu rõ về cách chăm sóc, thu hoạch của chúng. Từ thời xưa, ông bà chị đã trồng loại cây này để có thêm thu nhập chi tiêu vào dịp cuối năm. Sau này, gia đình cứ tiếp nối trồng niễng vì thu nhập cũng kha khá mà không mất nhiều công sức chăm sóc.
“Nhà tôi trồng 5 sào niễng, mỗi năm thu được khoảng hơn 30 triệu đồng. Giống cây này trồng như lúa nhưng thời gian chăm sóc lâu hơn. Tiết trời sang xuân khoảng tháng 1, các hộ gia đình ở đây bắt đầu đi trồng niễng và đến tháng 9 âm lịch là bắt đầu thu hoạch được”, chị nói.
Củ niễng chỉ có vào mùa thu, kéo dài khoảng 1,5 tháng.
Chị cho biết cây niễng chỉ ưa ruộng bùn, có nước nên không phải ở đâu cũng trồng được. Loại củ này từ lúc trồng đến khi thu hoạch không dùng đến thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích, bảo quản. Theo chị, cây rất dễ chăm sóc, chỉ cần nước và phân bón đầy đủ là chúng phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, quá trình làm đất để trồng và khi thu hoạch mới thực sự “đáng nói”. Vì khi thu hoạch niễng xong phải đi cắt cây, chọn những khóm đẹp để giống còn những khóm xấu người dân sẽ phải dùng cuốc để đào chúng lên. Nếu nhà nào không cuốc, họ sẽ không cày bừa cho thửa ruộng đó. Còn những khóm đẹp sẽ đợi chúng nảy mầm, tách ra 2-3 cây rồi lại trồng xuống ruộng theo hàng như cấy lúa.
Khi thu hoạch cây cao chừng 2 mét, người dân phải đeo găng tay, mặc quần áo bị kín vì lá của niễng như dao tem, có thể làm rách chân, tay, mặt bất cứ lúc nào. Hơn nữa, việc bẻ củ niễng cũng cần lựa khéo, chúng mà gãy sẽ không bán được nữa. Và thu hoạch không đồng loạt mà mỗi khóm chỉ lấy được từ 3-6 củ một ngày, sau đấy cứ xoay vòng từ ngày này qua ngày khác cho đến khi mùa.
Giá của chúng tùy thời điểm, dao động từ 10.000 - 25.000 đồng/bó (10 củ).
Cứ đến mùa thu hoạch niễng, gia đình chị tranh thủ đi lấy từ sáng sớm tới chiều muộn mới về. Theo chị, niễng được thu hoạch sẽ đem về nhà, các thành viên tập trung ngồi xếp thành từng bó, mỗi bó khoảng 10 củ để đổ buôn cho các thương lái. Công việc cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, kéo dài khoảng 1,5 tháng là kết thúc.
“Mỗi vụ thu hoạch thu về được khoảng vài chục triệu đồng, năm ngoái nhà tôi thu về hơn 30 triệu đồng cho 5 sào. Nhưng cả gia đình khá mệt nhọc trong việc thu hoạch và trồng niễng”, chị nói.
Theo đó, giá bán niễng tùy thời điểm. Vào đầu/cuối mùa, củ niễng được bán với giá cao hơn rất nhiều, lên đến 25.000 đồng/bó, còn vào giữa mùa thu hoạch niễng chỉ còn khoảng 10.000 đồng/bó.
Được biết, niễng có thể ăn sống hoặc làm nguyên liệu chế biến nhiều món ngon. Cụ thể, các món ăn khiến nhiều người “phát cuồng” như: xào thịt, xào trứng trứng, xào thịt heo, xào lòng vịt gà, xào rươi, hầm xương...
Mỗi ngày, chị Thủy (Đồng Nai) thu về hơn nửa triệu đồng nhờ bán loại quả này.