Ô nhiễm không khí là một vấn nạn đang xảy ra ở nhiều nơi trên toàn cầu
Vừa qua, ứng dụng cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí AirVisual đã bị ẩn khỏi các chợ ứng dụng di động đối với người dùng smartphone tại Việt Nam trong khoảng 2 ngày. Đội ngũ phát triển AirVisual xác nhận họ chủ động ẩn ứng dụng vì có một chiến dịch tấn công từ dân mạng nhắm vào sản phẩm của họ.
Không lâu sau khi ứng dụng AirVisual trở lại các chợ ứng dụng Google Play và App Store cho người dùng Việt Nam tải về, đội ngũ phát triển AirVisual đã chia sẻ thêm nhiều thông tin chi tiết về hoạt động của AirVisual cũng như những sự việc vừa xảy ra.
Theo AirVisual, hàng ngàn lời nhắn và email từ những người dân Việt Nam ủng hộ việc làm của họ là một trong những động lực giúp họ đưa AirVisual trở lại. Qua đó, AirVisual cũng đánh giá cao nhận thức của người dân Việt Nam về việc bảo vệ môi trường cũng như giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
“Dù các cuộc tấn công đã giảm nhưng chúng vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ và cố gắng tiếp tục cung cấp một dịch vụ ổn định. Trong trường hợp ứng dụng bị gỡ xuống một lần nữa, người dùng Việt Nam có thể truy cập dữ liệu chất lượng không khí của Hà Nội và TP.HCM trên trang web của AirVisual”, lời chia sẻ của nhà phát triển AirVisual.
Quay lại sự việc đã xảy ra cách đây không lâu, AirVisual cho hay: Trong những tuần gần đây, giữa lúc tình trạng ô nhiễm tăng cao, Hà Nội đã có lúc đứng đầu bảng xếp hạng của AirVisual - bảng xếp hạng ô nhiễm không khí gồm 90 thành phố lớn trên toàn cầu. Sau đó, vào ngày 6/10, một cuộc tấn công trực tuyến dồn dập nhằm chê bai dịch vụ và độ tin cậy của AirVisual đã diễn ra. Theo AirVisual, nguyên nhân là do sự hiểu lầm về cách AirVisual thu thập và báo cáo dữ liệu, đặc biệt liên quan đến bảng xếp hạng.
AirVisual cho biết, bảng xếp hạng được cập nhật nhiều lần mỗi giờ. Do đó, khi một thành phố đứng đầu danh sách không có nghĩa là thành phố đó có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, mà là chất lượng không khí tồi tệ nhất vào thời điểm đó trong số 90 thành phố xuất hiện trên bảng xếp hạng.
Chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2018, so với năm 2017.
Để có cái nhìn khách quan hơn, AirVisual đã phát hành báo cáo về đánh giá chất lượng không khí dài hạn của hơn 3.000 thành phố theo từng năm. Theo đó, trong năm 2018, Hà Nội xếp hạng 209 trong khi TP.HCM xếp hạng 452. So sánh với năm 2017, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội trong năm 2018 đã tốt hơn, ngược lại TP.HCM có chiều hướng ô nhiễm hơn nhưng mức tăng không đáng kể.
Dù biết các số liệu về ô nhiễm không khí như đã công bố với Hà Nội và TP.HCM là nhạy cảm, tuy nhiên đây là một nguồn thông tin tham khảo đáng giá để người dân ở các khu vực này thúc đẩy việc nâng cao chất lượng không khí và môi trường sống.
Trước đó, dữ liệu về ô nhiễm không khí tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) được công khai thông qua dòng tweet trên mạng xã hội Twitter của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Sức ép từ các bên, năm 2013, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giám sát ô nhiễm không khí trên toàn quốc và minh bạch số liệu.
Còn tại thành phố Lahore (Pakistan), dữ liệu về chất lượng không khí được sử dụng để xem xét các trường học trong thành phố có nên đóng cửa vào những ngày xảy ra ô nhiễm hay không. Trước đó, một người hoạt động trong mạng lưới giám sát tại địa phương này đã giúp người dân hiểu rõ sự khác biệt giữa sương mù và ô nhiễm không khí, tạo ra sự tác động lớn trong cộng đồng.
“Tôi hi vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt...