Đến đầu làng Viên Du, hỏi thăm nhà cô Chanh chữa bệnh, người dân bảo ngay, vào trong làng, thấy chỗ nào có nhiều ô tô, xe máy dựng trước cổng là nhà cô Chanh đấy. Giờ mọi người đang tập trung để nghe cô hát. Nếu anh muốn chữa bệnh cho người nhà cần phải đưa đến trực tiếp cô mới cắt thuốc.
Chân dung cô Chanh |
Làm gì cũng hơn người
Ở cái xóm nghèo Viên Du, từ đứa trẻ con đến các cụ già móm mém..., nhiều người tôn cô Chanh là bậc "thánh sống". Theo họ, cô Chanh chữa bệnh tài lắm. Thời con gái, cô Chanh được nhiều người biết đến bởi sức khoẻ phi thường, làm việc như cái máy. Cắt cỏ, mò cua, bắt ốc cô đều nhất làng.
Chị Đỗ Thị Nhung bảo: "Nhà em ở gần nhà cô nên lạ gì đâu. Trước đây, ở làng này chưa có nhà nào nghèo như nhà cô ấy, cả gia đình chui rúc trong ngôi nhà lụp xụp. Vì nghèo đói, nên nhà cô làm nhiều ruộng lắm.
Bố mẹ cô Chanh không được khoẻ mạnh, các em thì còn nhỏ nên mọi việc trong nhà đều do cô ấy gánh vác. Đi cấy lúa, cô Chanh phải chấp mấy người. Một buổi sáng, cô có thể cấy được hai sào lúa, nhìn trên bờ cứ như là máy đang cấy. Ngày đó cô cũng chỉ làm ruộng bình thường, nhưng làm gì cũng tài hơn người khác".
Mọi người trong làng đều kinh ngạc bởi cô Chanh dãi nắng, dầm mưa nhưng hiếm khi thấy cô phải uống một viên thuốc nào. Ngược lại cô còn bảo, ngồi không một chỗ chân tay buồn bực lắm...
Bắt tay là sẽ được truyền năng lượng chữa khỏi bệnh?
Cô Chanh than thở: "Đã 13 năm chữa bệnh cho người dân, tôi chưa được ngon giấc ngày nào. Bệnh nhân của tôi lên đến 72 nghìn người, không chỉ trong vùng này mà lan ra cả nước ngoài nữa. Thế nên, tôi không muốn tiếp nhận thêm bệnh nhân nữa. Tôi từ bé đến bây giờ chả biết cúng, mà cũng chả biết xem bói cho ai, chỉ đếm 1, 2, 3 bắt tay mọi người thôi".
Theo cô Chanh, khi cô bắt tay với ai đó, bàn tay của cô sẽ truyền năng lượng cho họ. Năng lượng đó có thể chữa bệnh, có thể tránh được những điều không hay đến với người đó. Tuy nhiên, không phải ai bắt tay cô Chanh cũng khỏi bệnh, mà người đó phải "hợp sóng" với cô và có cái tâm tốt.
Cô Chanh đang hát để chữa bệnh |
9 giờ sáng, chúng tôi đã thấy người bệnh nhốn nháo, xô đẩy nhau để vào bàn đăng ký lấy thuốc. Bệnh nhân chủ yếu đến từ xa, trong huyện có, trong tỉnh có, ngoài tỉnh có. Họ điền tên vào danh sách, nhận thuốc và đặt tiền lên bàn thờ.
Cô Chanh bảo, cô chỉ chữa bệnh vào buổi sáng. Buổi chiều cô phải đi lên rừng hái thuốc. Tối về, cô lại đi bộ lên Tam Đảo, Đền Hùng để hít thở khí trời lấy năng lượng, để lấy lại một phần năng lượng đã tiêu hao sau khi làm việc. Mỗi bữa cơm cô có thể ăn hết 2 cân thịt lợn và 12 bát cơm.
"Hát bảy bài, bằng uống thuốc sáu tháng"
Hai tay cầm bốn túi thuốc, đang bỏ vào bao tải để buộc lên xe, chị Dung (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bảo: "Hôm nay, cô Chanh đã hát cho mọi người nghe để chữa bệnh. Hát bảy bài, bằng uống thuốc sáu tháng".
Ngày nhỏ, chị Dung bị cảm gió, biến chứng rồi miệng cứ méo xệch, mắt lờ mờ, nên mỗi lần ăn uống, hay quan sát rất khó khăn. Chị đã xuống Hà Nội nhờ các bác sĩ châm cứu, nhưng vẫn không khỏi.
Mọi người xếp hàng khám bệnh |
Chị Dung cho biết: "Tôi đã uống thuốc của cô Chanh năm năm nay, miệng chưa trở lại bình thường nhưng cảm giác mềm và dễ chịu hơn. Mỗi tháng một lần, tôi lại đến nhà cô Chanh để lấy thuốc. Cô Chanh chữa nhiều loại bệnh cho mọi người, nhưng thang thuốc chỉ khác nhau ở cái lá cho thêm vào. Có người thì cô dặn cho thêm lá bưởi, người thì dặn cho thêm lá khế vào thang thuốc. Hằng tháng, cô Chanh cho các lá thang khác nhau. Có người theo cô Chanh chữa trị hơn 10 năm rồi. Khỏi hay không thì chưa biết, nhưng họ tin cô ấy lắm. Cô đã nhận chữa thì phải kiên trì uống thuốc, dần sẽ khỏi".
Chị Dung ước tính, mỗi ngày uống 1/2 thang thuốc, hết 1.500 đồng (3.000 đồng/thang - PV), 45.000 đồng/tháng. Một năm chỉ hết gần 500.000 đồng tiền thuốc, tính ra không bằng một lần đến khám ở các bệnh viện.
Có lẽ vì thế, khi lấy thuốc của cô Chanh các bệnh nhân cứ tự động đặt tiền lên bàn thờ. Theo quan sát của phóng viên, một buổi sáng có tới hơn 100 người đến lấy thuốc, mỗi người đến lấy thuốc từ 1 - 2 tháng là cô Chanh đã có bạc triệu mỗi ngày.
Lãnh đạo xã công nhận?
Ông Đỗ Tiến Độ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Vân cho biết, các bài thuốc của cô Chanh không phải gia truyền, cô không qua đào tạo trường lớp nào. Cách đây khoảng 10 năm về trước, cô phát bệnh, lên cơn điên dại, rồi sinh ra chữa bệnh. Thuốc của cô chủ yếu là các lá cây hái ban đêm ở các đình chùa. Chúng tôi cũng không biết từ đâu cô biết chữa bệnh như thế.
Cách đây khoảng bốn năm, có đoàn thanh tra y tế huyện về kiểm tra, yêu cầu cô Chanh không chữa bệnh nữa vì cô không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y dược. Từ đó cũng không thấy cơ quan chức năng về kiểm tra nữa.
Cũng theo ông Độ, gần đây, cô Chanh còn hát và tặng ảnh chân dung của mình cho người bệnh. Địa phương cấm không được, chỉ nhắc nhở đừng làm cái gì quá, mọi người tìm đến đông sẽ không tốt. Đây là vấn đề nhạy cảm nên nhiều khi địa phương rất khó giải quyết.
Trước đây, nhà cô Chanh nghèo, nhưng từ khi chữa bệnh, ngoài ngôi nhà ba tầng khang trang trong xóm, cô còn có hai ngôi biệt thự trên chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên).
Hồ hởi nhận thuốc của cô Chanh mang về chữa bệnh |
Ông Độ bảo: "Cô Chanh chữa cho những ai thì không biết, còn trường hợp này tôi được chứng kiến cô đã chữa khỏi cho người chị họ tôi.
Bà Đỗ Thị Chất (Phúc Lai, Thanh Văn) bị ung thư đại tràng. Bà có người nhà là giáo sư ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Con trai, con dâu đều làm việc ở Hà Nội. Bà Chất ốm đã lâu, sức khoẻ yếu không thể mổ được nên Bệnh viện K trả về. Mọi người trong gia đình đã tuyệt vọng, chỉ còn nước đưa bà về quê lo hậu sự.
Một năm trời bà Chất nằm một chỗ, mọi sinh hoạt nhờ người thân giúp đỡ. Mỗi bữa bà chỉ hớp được vài thìa nước dưa. Dù mọi người trong gia đình phản đối, nhưng thấy bà Chất nguy kịch, chồng bà đánh liều sang nhờ cô Chanh chữa. Cô Chanh nhận chữa cho bà Chất bằng "phương pháp" bắt tay, cắt thuốc và hát cho nghe. Giờ bà Chất đã ăn được lưng cơm, đi thả trâu và quét sân được.
Tôi cho rằng, dùng thuốc của cô Chanh chưa thể khỏi hẳn được mà chỉ có thể kéo dài sự sống của người bệnh. Những điều lạ lùng này rất cần cơ quan chức năng tìm hiểu để làm rõ".