Thông tin từ Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho biết Bộ này được giao chủ trì, phối hợp với UBND TP.Hà Nội và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng báo cáo số 296 trên về việc thi hành Luật Thủ đô trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Theo quy trình làm việc, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ (Báo cáo Thẩm tra số 2509/BC-UBPL14 ngày 15/8/2019 của Uỷ ban) và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về Báo cáo số 296 của Chính phủ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu thêm về việc thi hành Luật Thủ đô trong một số lĩnh vực, đồng thời rà soát, cập nhật các số liệu, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.
Số liệu không khí của Hà Nội trong báo cáo đang gây xôn xao dư luận được cán bộ của Bộ Tư pháp lấy từ báo mạng, thông tin này đã được công bố từ năm 2005. (Ảnh minh hoạ)
Thực hiện kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị của Uỷ ban Pháp luật, hiện Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với UBND TP.Hà Nội và các Bộ, Ngành liên quan đánh giá bổ sung việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô.
Cùng với đó rà soát, kiểm tra và cập nhật số liệu, trong đó có số liệu về ô nhiễm môi trường không khí Thủ đô mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh.
Về diễn biến vụ việc, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến Quốc hội sử dụng các số liệu về môi trường đã được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.
Một lãnh đạo Bộ Tư pháp đã thừa nhận thông tin về môi trường Hà Nội trong báo cáo nêu trên được lấy từ bài viết của một tờ báo mạng, đăng tải năm 2018.
Được biết, báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô nêu trên dẫn thông tin:
“Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2; trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”.