Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực và vị thế quan trọng của hoạt động khuyến nông trong việc đưa VN thành nước mạnh về xuất khẩu nông sản nói riêng và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung tại Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông VN do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 27.2.
Đưa VN thành nước mạnh về xuất khẩu nông sản
TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, 20 năm qua, hoạt động khuyến nông ở T.Ư và các địa phương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, đặc biệt các chương trình, dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông được triển khai toàn diện, tác động tích cực đối với sản xuất và đời sống nông dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập thể CBCNV Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. |
Theo TS Thông, trước thập niên 90 của thế kỷ trước, diện tích lúa lai của Việt Nam chưa đáng kể nhưng đến nay diện tích gieo cấy lúa lai cả nước đạt khoảng 650.000- 700.000ha/năm, năng suất trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha, mỗi năm làm tăng sản lượng thóc của cả nước hơn 1,2 triệu tấn. "Việc đưa lúa lai, ngô lai vào cơ cấu cây trồng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã làm tăng năng suất, sản lượng, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững" - TS Thông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến nông phát triển lạc, đậu tương, mía, rau đậu thực phẩm, nấm ăn và nấm dược liệu, cây ăn quả, chè, cà phê, cao su...; chương trình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu ở các vùng cũng được triển khai đồng bộ, góp phần thay đổi phương thức canh tác, khắc phục các yếu tố bất lợi ở từng vùng để sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu…
Trước những thành tựu đáng kể và sự phát triển vượt bậc của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hoạt động khuyến nông nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đã đóng góp một phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu nông sản.
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động khuyến nông cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò kết nối người sản xuất với áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nguồn vốn để phát triển nông nghiệp.
Đãi ngộ chưa tương xứng
Bà Nguyễn Thị Hương - Trạm trưởng Yrạm Khuyến nông huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, trên địa bàn huyện chưa có xã nào có công chức xã là cán bộ khuyến nông. Việc quy định ngân sách xã quản lý, chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở cũng làm cho mối quan hệ theo ngành dọc giữa khuyến nông huyện với khuyến nông viên cơ sở lỏng lẻo, gây khó khăn trong chỉ đạo và triển khai công việc.
Thực tế, theo ông Trần Xuân Định - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình, phụ cấp khuyến nông viên cơ sở hiện chỉ có 100.000 đồng/tháng nên khó thu hút được những người có trình độ, kiến thức, nhiệt huyết với nghề. "Tháng 3, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh đề án về chính sách đối với khuyến nông viên cơ sở, theo đó, sẽ chi trả phụ cấp cho anh chị em theo trình độ đào tạo"- ông Định cho biết thêm.
Một số kết quả nổi bật
- Trang web khuyến nông Việt Nam có lượng truy cập trên 11.000 lượt /ngày
- 60 hội thi tuyên truyền và tôn vinh
- 120 diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp
- 29.000 tin, bài chuyên mục chuyển giao Khoa học - Kỹ Thuật
- Phát hành trên 200 số bản tin
- Phát hành 7.000 đĩa hình; 60 đầu sách
Theo TS Phan Huy Thông, trong 2 thập kỷ qua, mặc dù cơ chế chính sách khuyến nông đã có những thay đổi theo từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn còn những điểm bất cập cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn sản xuất.
Trong đó, theo ông Thông, cán bộ khuyến nông, đặc biệt là cán bộ khuyến nông ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa thường xuyên trực tiếp gắn bó với nông dân, điều kiện làm việc vất vả, thu nhập thấp nhưng chưa có chính sách đãi ngộ tương xứng để thu hút cán bộ giỏi.
Trước một số những tồn tại, hạn chế của hoạt động khuyến nông, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, ngành khuyến nông cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy từ T.Ư đến địa phương, triển khai đề án tiêu thụ nông sản chủ lực, tăng cường các hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, quan tâm nhiều hơn đến đời sống của cán bộ khuyến nông, nhất là chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở.
"Các chương trình khuyến nông về cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tại các tỉnh khu vực phía Nam được triển khai và đạt kết quả khá tốt, giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Một trong những bài học thành công là các doanh nghiệp luôn sát cánh cùng khuyến nông nên việc nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT, máy móc... vào sản xuất rất nhanh và bài bản".
"Đặc thù Đăk Lăk là một tỉnh miền núi, có 45 dân tộc sinh sống và nhiều bà con nghèo ở nơi khác đến làm kinh tế mới nên hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có đặc thù riêng. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với đội ngũ khuyến nông vẫn còn bất cập. Diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh lớn, việc đi lại khó khăn nhưng hiện số lượng cán bộ khuyến nông cũng chỉ giống như các tỉnh khác trong cả nước. Khuyến nông viên được hưởng phụ cấp thấp, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội… chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông. Tôi đề nghị Nhà nước sớm xem xét lại chế độ, chính sách để họ yên tâm công tác với công việc này".
Minh Hồng (ghi)
Hữu Thông- Minh Hồng