Dân Việt

TP.HCM: Lao động trẻ, giấc mơ an cư quá khó!

Văn Dũng 13/10/2019 06:15 GMT+7
Trong 5 năm qua, giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng từ 50 - 60%. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình của người trẻ dưới 30 tuổi chỉ dao động từ 9 - 20 triệu đồng/tháng.

Người trẻ quá khó để sở hữu một căn hộ giá rẻ chứ chưa nói đến chuyện mua đất xây nhà.

Giá nhà tăng liên tục

Nghiên cứu mới đây của các doanh nghiệp BĐS cho thấy, giá đất liên tục bị đầu cơ “thổi giá”, thủ tục các dự án BĐS kéo dài, tốn 3-5 năm mới hoàn tất thủ tục, cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng mạnh do phải gánh thêm chi phí lãi suất cao.

Cụ thể, theo báo cáo thị trường quý 3/2019 của DKRA Vietnam, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 -10 triệu đồng/tháng đến dưới 20 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, đạt mức 23%. Trung bình mỗi năm tại TP.HCM có khoảng 50.000 cặp đôi kết hôn. Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.

img

Giá nhà tại TP.HCM tăng liên tục trong 5 năm qua, khiến người trẻ khó tìm được chốn an cư.

Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4m2/người. Dân số gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm.

Mặc dù nhu cầu về nhà ở gia tăng song nghịch lý đang xảy ra, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà cũng đã tăng 50 - 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân.

Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án BĐS mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm.

Vào sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM đã 11 năm, thế nhưng vợ chồng anh Hoàng Anh Tuấn cùng với con nhỏ hiện vẫn đang ở trọ tại một căn phòng chật hẹp ở quận 2. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, anh Tuấn thừa nhận chưa biết khi nào mới mua được nhà ở TP.HCM.

“Tôi chỉ mới ra làm riêng gần hai năm nay nên thu nhập tăng so với khi còn đi làm công. Tiết kiệm mấy năm được 200 triệu đồng, nhưng giá nhà quá cao và mỗi năm lại tăng thêm nên chưa biết đến khi nào mới mua được nhà”, anh Tuấn chia sẻ.

Muốn mua nhà, phải có chiến lược

Theo ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Vietnam, căn hộ dưới 1 tỷ đồng đã là chuyện quá khứ. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều.

“Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ ngày càng khó, khi những dự án BĐS mới có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm”, ông Lâm nói.

Còn theo các chuyên gia tài chính, một người trẻ với thu nhập 15 triệu đồng/tháng nếu mua nhà 1,5 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 50% (tương đương 750 triệu), sau khi trừ hết gốc và lãi trả góp mua nhà, chỉ còn lại 3,8 triệu đồng/tháng, không sống nổi ở TP.HCM. Chưa kể không phải ai cũng có được khoản tiết kiệm ban đầu kha khá để tính đến chuyện mua nhà.

“Nếu đã có một khoản tiết kiệm kha khá và tính đến chuyện mua nhà, trước hết phải chọn căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế và năng lực trả nợ. Chấp nhận đi xa, mua từ căn hộ nhỏ ở phân khúc trung bình rồi sau đó chuyển lên căn hộ cao cấp hơn, ở gần trung tâm hơn, chứ đừng mua vì ham nhà to đẹp ngay mà đổ nợ”, ông Lâm khuyến cáo.

Còn theo lãnh đạo một tập đoàn địa ốc, để mua được nhà tại TP.HCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.

Trước hết, phải có tối thiểu 30% giá trị căn nhà tích cóp trước hoặc trợ giúp từ gia đình mà không phải lo trả nợ. Và thu nhập của hai vợ chồng phải gấp đôi số tiền dùng để trả góp khi mua nhà. Chẳng hạn, mỗi tháng trả tiền nhà 10 triệu đồng, thu nhập phải tối thiểu 20 triệu đồng vì còn chi tiêu cho gia đình.

“Chỉ được dùng tối đa 50% thu nhập của mình để trả khoản vay mua nhà mà thôi, không được vượt quá, kẻo sẽ bị quá tải. Quá tỉ lệ trên sẽ rơi vào cảnh nợ nần khủng hoảng, không có đủ tâm trí để làm những việc khác tăng thu nhập được”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

DKRA Vietnam cho rằng, để giải quyết bài toán này, Nhà nước cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Bên cạnh đó cần cải tiến quy trình, thủ tục thuận tiện hơn cho người dân có nhu cầu; đồng thời có những cơ chế phù hợp cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình nhà ở xã hội.

Ngoài ra, phía chính quyền địa phương phải xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nhu cầu nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn và giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn. Tính đến tháng 6-2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM đạt 19,9 m2/người, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)