"Nỗi buồn nêm bất trắc"
Sinh thời, khi được người bạn hỏi về kho tàng sáng tác đồ sộ của mình, Du Tử Lê nhỏ nhẹ: “Đây là một lời khen của người đọc thơ, nhưng đây cũng chính là sự bất hạnh của người làm thơ. Nếu không có những bi kịch thì thi sĩ không thể có những sáng tác như vậy. Gọi đây là tài sản của thi sĩ, nhưng không ai mong được có ‘tài sản’ này, kể cả chính thi sĩ. Nói một cách siêu thực, định mệnh đã chọn thi sĩ, văn sĩ mà trao những bi kịch để kích thích sự sáng tác của họ. Nếu được chọn, không ai chọn có một đời sống 'gập ghềnh', bất hạnh, không đầm ấm cả”.
Nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: Trần Triết.
Nếu được chọn làm lại từ đầu, hẳn thi sĩ “Khúc Thụy Du” vẫn sẽ đi trên con đường độc hành ấy, với nỗi ám ảnh về cái chết (“Mẹ về Biển Đông” – trường ca), quê hương, thân phận người xa xứ vong thân ngay cả trên chính quê hương và ngay trong bản thân mình. Bởi những yếu tố đó làm nên thơ Du Tử Lê, như một dấu nung đỏ trong lòng người Việt tha hương.
Cả cuộc đời ông âm thầm sáng tác, thơ được phổ nhạc ông cũng không quá vui mừng. Người ta nói về ông, khen hay chỉ trích ông cũng không muốn lên tiếng, vì chỉ có “duy nhất một sự thật, không thể thay đổi được”. Duy nhất theo lời con gái ông, ông luôn thèm phở - món ăn đặc vị quê nhà, và có thể ăn ngày này qua tháng nọ không bao giờ biết chán.
Du Tử Lê thời trẻ (ảnh từ trang web của nhân vật).
Thơ ông có những khúc trầm buồn, cùng những khúc tươi sáng, mà tươi sáng nhất, chỉ có thể là nhớ về tuổi thơ. “Nếu cứ nhớ mãi những ấu thơ của mình, có lẽ người ta sẽ bớt đi hận thù mà vui sống bên nhau. Cho nhau ấu thơ, do đó là cho nhau món quà quý báu nhất”, Du Tử Lê từng chia sẻ.
Trong bàii “Pleiku, Tháng Chạp, Cũ,” ông nói về nỗi nhớ quê ấy:
"ký ức tôi, những ngày mưa Tháng Chạp
và, con đường lát gió, lá đưa chân
môi thơm thảo, nỗi buồn nêm bất trắc
sân trường xưa, theo ngấn lệ thương thân”
Hay: “khăn với áo thoảng mùi hương quá khứ
những con đường mòn trũng thương đau
người một thuở đã sống cùng nhang khói
chẳng ai không trở lại bước đầu”
Nhớ thì cứ nhớ, như một tài sản còn lại trong tâm hồn, vì với ông:
"dù người có nhớ hay quên thì, cũng vậy
chúng ta đà chạm đến đáy thương yêu”
Và những hồi ức đau đớn về cái chết luôn trỗi dậy:
“tôi đang đứng giữa hai đầu Nam Bắc
mà con đường xích đạo nối âm dương
mẹ tôi chết từ lâu hay mới chết
ai biết đời cháy đỏ mỗi đêm thâu?”
Bởi:
“không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước”
Và:
"cây nhân thế đã đâm chồi thất lạc
nhân gian cùng chung một vết thương"
"nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau.
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao?"
Yêu mẹ, chính là yêu Tổ quốc, Tổ quốc luôn trĩu nặng trong tim ông, để cả cuộc đời, ông luôn tìm cách hàn gắn những thù hận, bằng yêu thương và bằng hy vọng.
Cái chết - gương soi cuộc đời
Nói nhiều về cái chết, nhưng cái chết với nhà thơ Du Tử Lê không quá tang tóc, bi lụy; nó còn mang một khuôn mặt khác: Cái gương soi cho ông nhìn thấy nhân thế, nhìn thấy đời mình.
Du Tử Lê về nước đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: NĐT.
Nhà thơ Lý Đợi từng phát hiện: “Có 3 điều khiến Du Tử Lê khác với các nhà thơ được nhiều nhạc sĩ tài danh phổ nhạc. Thứ nhất, thơ Du Tử Lê không cần phổ nhạc cũng đã đủ cho người đọc rung động (thay vì có những bài thơ chỉ khi được phổ nhạc mới được người ta yêu thích); thứ 2, ông viết về thân phận của con người lưu vong về mặt văn hóa, tức vong thân khỏi quê hương, bản quán, chính con người mình (ở trên quê hương mà vẫn cảm thấy xa lạ) và cuối cùng, viết về cái chết nhưng cách viết duyên dáng, không có gì "rùng rợn" cả.
Có thể nói, ông là một trong số ít nhà thơ viết về cái chết một cách tươi tắn, được nhiều người lấy làm lẽ chiêm nghiệm cuộc đời mà không khiến họ buồn bã, tiêu cực. Giống như Trịnh Công Sơn, ông viết về nỗi buồn, về mất mát mà có cảm giác đó vẫn là năng lượng lạc quan, như chia sẻ với đời, chứ không phải sầu khổ hay than trách”.
“rất nhiều khi tôi khóc một mình
những hạt lệ không giúp ai no
những hạt lệ không làm ai đỡ đói,
nhưng nó vẫn là những giọt lệ
chính nó, một mình – không có tôi đứng cạnh.
thay vì cloning cho tôi con cừu
hãy tạo sinh vô tính cho tôi buổi chiều, quê cũ"
"làm sao tôi nói được
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình"...
"hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết"
Vì với ông, sống hay chết đều trọn vẹn dấn thân: "tình yêu như ngọn dao/anh đâm mình, lút cán".
Và
"cuối đường nghĩa trang / vui:
chân dung đời. bất biến.
như chưa hề xa xôi"
"ở chỗ nhân gian không thể hiểu
trí nhớ nào vân lên thủy tinh
đôi khi ngôn ngữ không cần thiết
hơi thở tìm nhau cũng đủ buồn"...
Nhập định trong cõi nhân gian
Nói về nhà thơ "ngồi trong cõi nhân gian", nhà phê bình Inrasara nhận định: “Thơ Du Tử Lê thấm thía, tâm trạng hơn, thật và có chiều sâu hơn kể từ sau khi ra nước ngoài định cư. Trước 1975, thơ của ông vẫn được phổ nhạc, nhưng có vẻ làm dáng. Tuy không có nhiều phát kiến về kỹ thuật, cách diễn đạt vẫn mang tính kể, không hiện đại, nhưng với thể lục bát, ông có những phá cách làm nhiều người thích, như một nỗ lực làm mới thơ”.
Du Tử Lê cũng từng kể về mối tình sâu đậm của mình với người vợ yêu thương. “Tháng 4 năm 2012, tôi hoàn tất và cho phổ biến bài “Tháng 4 T., biệt khúc, khác”. Đó là một trong nhiều bài thơ đi ra từ lộ trình gập ghềnh nắng, gió của tình yêu tôi, với người bạn đời HT.
Du Tử Lê và nhà thơ-họa sĩ Phan Vũ.
Cuộc tình của chúng tôi, khởi đi từ những năm đầu thập niên 1970, giữa hai miền đất nước: Huế-Saigon.
Và, “Tháng 4” (1975) là thời điểm dẫn tới “biến cố” chúng tôi “thất lạc nhau” hơn 18 năm.
Gặp lại, được sống với nhau, với chúng tôi là một điều gì giống như phép lạ. Không thể kỳ diệu hơn. Nhưng chẳng vì thế mà chúng tôi không trải qua những gập ghềnh, bầm giập của đời thường (hầu hết gây nên bởi tôi). Nhiều giai đoạn, tôi những tưởng tình yêu, hôn nhân của chúng tôi sẽ phải chấm dứt! Nhưng, may mắn cho tôi, cuối cùng, bằng vào hy sinh, âm thầm chịu đựng, HT đã vượt qua được mọi bão tố… Vì thế, tôi nghĩ, tôi cần phải ghi lại… Trước khi trở thành quá muộn”.
Khi đối diện với cái chết của đời mình, ông vẫn bình thản. Bài thơ “Chẳng lớn lao nào hơn cô đơn” ông viết năm 2002, trước khi phát hiện căn bệnh ung thư.
“Tôi cho rằng thuộc tính của con vật biết suy nghĩ, con người, là cảm thức cô đơn. Nhờ thuộc tính này, con người mới thấy được giá trị của những tình nghĩa, những êm ấm nhận được, hay đã mất đi trong đời mình.
Do đó, tuy nhan đề là “Chẳng lớn lao nào hơn cô đơn,” nhưng nội dung của bài thơ lại được xây dựng trên lòng biết ơn của tôi, trước tình yêu chân thật và, bền lâu mà tôi nhận được trong những năm tháng, đời mình.
Sự cảm ơn khởi đi từ những ngày tháng còn trong nôi, đi tới những khoảng thời gian xa cách, như một định mệnh…Tiến lần đến sự biết ơn thần thánh, biết ơn gió bão đời thường, biết ơn sách vở, hay chữ nghĩa của một đất nước. Và, cuối cùng là sự biết ơn những ngày đang sống”.
Biết ơn, yêu thương với cuộc đời, với phận làm người đau đớn mà cũng vô cùng đẹp đẽ; tha hương nhưng không bao giờ rời xa đất nước; vong thân là để tìm kiếm câu hỏi lớn nhất của đời người. Đó cũng là hồn thơ của ông gửi lại...