Ông Lê Việt Hùng, giám đốc ngành hàng điều hòa không khí và dự án của Samsung Vina giải thích, thông qua các thiết bị thông minh, gói Smart Home hướng đến mô hình gia đình tiện nghi, còn Smart Building sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tự động tòa nhà, văn phòng...
Nhu cầu ngày càng tăng
Ông Hùng cho rằng, giá trị của mô hình Smart Home tại Việt Nam hiện đang ở mức 2.500 tỷ đồng, năm 2020 sẽ là 3.300 tỷ đồng… và sẽ tăng lên 8.200 tỷ đồng vào năm 2023. Trong giá trị của mô hình Smart Home giai đoạn 2019 - 2023, theo ông Hùng, phần lớn khách hàng sẽ chú ý vào những thiết bị gia đình thông minh, kế tiếp là những thiết bị về an ninh, rồi đến nhóm hàng điều khiển và kết nối…, nhóm hàng quản lý năng lượng chiếm tỷ lệ nhỏ. Tỷ lệ của những nhóm hàng trên tăng tương ứng qua các năm.
Trên thực tế thị trường, khởi xướng mô hình ngôi nhà thông minh là Bkav. Cách đây 7 năm, Bkav đã khuấy động thị trường bằng những sản phẩm tự động dành cho mô hình căn hộ được điều khiển qua ứng dụng. Theo bà Đỗ Thu Hằng, giám đốc truyền thông của Bkav, mô hình ngôi nhà thông minh đã được cộng đồng, nhất là cư dân của các khu đô thị sang trọng và cao cấp ủng hộ. Nhưng quan sát trên thực tế, vì giá thành và nhu cầu sử dụng, những giải pháp thông minh cho ngôi nhà của Bkav chưa hấp dẫn với nhóm khách hàng có thu nhập tầm trung trở xuống.
Khi sử dụng mô hình Smart Home, ngôi nhà sẽ “tự động mở nhạc, mở máy lạnh, mở màn cửa, điều chỉnh ánh sáng trong phòng khi chủ nhà vừa bước chân vào ngôi nhà; có thể nhận dạng người lạ đột nhập vào nhà và cảnh báo cho chủ nhà…”. |
Ông Nguyễn Bá Cơ, tổng giám đốc Bkav SmartHome cho biết, hiện có khoảng 31.000 khách hàng sử dụng các giải pháp Smarthome của Bkav. Riêng trong năm 2019, có một số dự án mới: dự án Ecopark với 700 căn, dự án Nha trang City Centure 200 căn… đã sử dụng các giải pháp SmartHome của Bkav. Giữa tháng 9/2019, Bkav có sản phẩm mới là công tắc điện thông minh. Sản phẩm này được lắp đặt trên nắp hộp của công tắc cơ, dùng để điều khiển các thiết bị điện trong nhà như hệ thống đèn chiếu sáng, cổng, bình nóng lạnh, tưới cây… theo nguyên tắc tự động bằng internet trên smartphone hoặc tablet để điều khiển. Người dùng có thể thiết lập lịch hoạt động cho từng thiết bị trong nhà.
Xiaomi tại Việt Nam đã bán các mặt hàng có yếu tố “thông minh” như đèn tự sáng – tự tắt dựa trên nguyên tắc cảm biến với bóng người; nồi cơm điện, hệ thống chuông cửa, quạt gió, robot hút bụi, camera quan sát, máy lọc không khí, máy pha cà phê, ấm nấu nước… được điều khiển qua ứng dụng có tên là Mi Home. Trên ứng dụng này, người dùng có thể cài đặt chế độ, thời gian tắt/mở cho từng vật dụng đã được kết nối trên Mi Home.
SmartThings kết nối với nhau bằng Wi-Fi để người dùng điều khiển hệ sinh thái thông minh thông qua thiết bị di động.
Còn Samsung, theo bà Nguyễn Y Mai, phó tổng giám đốc Samsung Vina, giải pháp Smart Home hiện đang thử nghiệm tại vài dự án căn hộ cao cấp, tiêu biểu như dự án The Metropole ThuThiem (TP.HCM). Theo bà Mai, hiện Samsung muốn nhắm đến mô hình quản trị cao ốc với gói giải pháp Smart Building vì đây là mô hình mà Samsung Vina được phép thực hiện. “vì Samsung Vina không có quyền trực tiếp kinh doanh thiết bị và lắp đặt nên với giải pháp Smart Home, chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác tại Việt Nam có đủ kinh nghiệm để ủy thác kinh doanh mô hình ngôi nhà thông minh”.
Tính tương thích còn thấp
Hiện nay, dù với gói Smart Home hay Smart Building mà nhiều hãng đang làm, để hệ thống chạy ổn định, nhà cung cấp giải pháp yêu cầu thiết bị phải đồng bộ. Thông thường, nếu chủ nhà thực hiện theo yêu cầu của nhà cung cấp thiết bị, giá thành cao. Dẫn chứng, nếu khách hàng sử dụng giải pháp của Xiaomi, nghĩa là cả đời chủ nhà chỉ biết xài hàng Xiaomi, không thể dùng các thương hiệu khác, ngay cả những thương hiệu đó có cùng tính năng. Điều dễ hiểu, ứng dụng Mi Home không cập nhật trình điều khiển của các hãng khác. Còn nói về giá, cùng là chiếu sáng nhưng đèn bàn học thông minh Xiaomi Mijia có giá 750.000 đồng, còn quạt điện thông minh Fan Geen 2S có giá 2,15 triệu đồng… Nói là vậy nhưng để sử dụng MiHome không hề dễ dàng. Ông Phước Quốc (Q.10), một “thần dân” của Xiaomi cho biết, ứng dụng bằng tiếng Anh, thường xuyên cập nhật phiên bản mới, hay bị treo…, khách hàng phải thoát ra, sau đó đăng nhập lại, chỉ cần quên user hoặc password, từ thiết bị thông minh dễ trở thành thiết bị… cùi bắp! Ông Quốc cũng thừa nhận, giá hàng thông minh của Xiaomi chính hãng cao gấp 40 – 50% so với hàng xách tay nên “khó phát triển mô hình ngôi nhà thông minh”. Đây chính là điểm yếu của mô hình ngôi nhà thông minh chưa thể phát triển tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị, ông Việt Hùng của Samsung Vina giải thích, với hệ sinh thái SmartThings, giải pháp Smart Home của Samsung không chỉ tích hợp vào các sản phẩm tivi, smartphone, máy lạnh, tủ lạnh cùng các thiết bị gia dụng khác của thương hiệu Samsung mà còn hơn 4.000 thiết bị từ các nhà sản xuất thứ ba có cùng hệ sinh thái đồng nhất là SmartThings. “Điểm nhận diện của các thiết bị thuộc hệ sinh thái SmartThings là đều có thể kết nối với nhau bằng Wi-Fi để người dùng điều khiển chúng thông qua các thiết bị di động như smartphone hoặc máy tính bảng (tablet)”, ông Hùng nói.
Có thể hiểu, để các thiết bị giao tiếp với ứng dụng thông qua wi-fi, hoặc là cần có linh kiện rời gắn kèm (kiểu setop-box Android để biến tivi thường thành tivi thông minh) hoặc là chính bản thân những sản phẩm đó như máy lạnh, tủ lạnh, quạt… phải “thông minh”! Cả hai cách trên đều quá tầm với phần đông người tiêu dùng hiện nay.
Smart Building là giải pháp tự động kết nối các hệ thống và thiết bị của tòa nhà thông qua IoT. Cốt lõi của giải pháp này là các thuật toán sử dụng năng lượng để giảm chi phí kết nối không dây giữa các thiết bị, giảm chi phí vận hành và bảo mật. Thông qua hệ thống điều khiển từ xa, ban quản lý tòa nhà có thể truy cập vào hệ thống bất kỳ lúc nào. |
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)