Dân Việt

Hai lần triệu tập vắng, Giám đốc Sở GDĐT Sơn La có bị dẫn giải?

Bảo Linh 15/10/2019 14:59 GMT+7
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La vắng mặt 18 nhân chứng, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. Đây là lần thứ 2, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT vắng mặt tại phiên xét xử.

Sáng nay (15/10), phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La diễn ra. Phiên tòa có 99 người liên quan bị triệu tập, xét xử, gồm 8 bị cáo; 48 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 43 người làm chứng.

Tuy nhiên, phiên tòa vắng mặt 18 người làm chứng, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. 

Đây là lần thứ 2 nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La vắng mặt tại phiên tòa khi bị triệu tập. Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 1 của vụ án này, ông Đức cũng vắng mặt.

Với lý do vắng mặt nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, chủ tọa phiên tòa đã hỏi đại diện Viện kiểm sát nhân dân cũng như các bị cáo, luật sư bào chữa về việc có đề nghị hoãn phiên tòa hay không? 

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng số nhân chứng có mặt khá đông, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng có mặt nên đề nghị hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến đồng ý tiếp tục xét xử, nhưng cho rằng, phiên tòa trước đã đề nghị Tòa triệu tập người làm chứng quan trọng để tham gia phiên tòa ngày hôm nay. Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La vẫn vắng mặt.

Luật sư đề nghị vẫn tiếp tục xét xử, nhưng phải làm rõ lý do vắng mặt của ông Đức, nếu không phải vì lý do bất khả kháng cần áp dụng biện pháp áp giải đến phiên tòa.

Một luật sư khác bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến cũng cho rằng, người làm chứng, trong đó có người làm chứng tại phiên tòa lần trước luật sư đã đề nghị, nhưng lần này không có mặt, trong những trường hợp cần thiết đề nghị tòa tiếp tục triệu tập.

Luật sư Bùi Thế Anh bào chữa cho bị cáo Cầm Thị Bun Sọn cũng đề nghị Tòa xem xét áp giải theo luật đối với nhân chứng quan trọng

img

Phiên tòa xét xử sở thẩm lần thứ 2 vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La diễn ra sáng 15/10 vắng mặt ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017”.

Cũng theo luật sư, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật TTHS.

Luật sư cho biết thêm, người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm theo Điều 383 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, nếu người làm chứng khai báo gian dối có thể phải đối mặt với tội Khai báo gian dối, theo Điều 382 của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Nếu dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch, nhân chứng bị phạt tù 1-3 năm. Mức phạt lên đến 7 năm nếu dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trong trường hợp người làm chứng được toà án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử, HĐXX có thể ra quyết định dẫn giải, theo điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Về việc 2 lần ông Hoàng Tiến Đức vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án với lý do sức khỏe, luật sư cho rằng, dựa vào vai trò của nhân chứng trong vụ án, nếu xét thấy nhân chứng có cần thiết thì Tòa án sẽ xác minh lý do trên. Trong trường hợp thấy lý do đó không chính đáng sẽ áp dụng biện pháp áp giải.