Từ ngày 14 - 18/10, gần 1.000 học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP.HCM) sẽ thực hiện bài kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ 1 trên điện thoại, máy tính. Bài thi được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, các môn thi trên máy tính, điện thoại gồm Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh…
Thầy Võ Thiện Cang - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang cho biết, sau khi thầy cô ở các tổ, bộ môn biên soạn đề thi bám sát theo chương trình học và định hướng đề thi THPT Quốc gia của Bộ GDĐT, các đề thi sẽ được “đảo” thành 8 mã đề khác nhau.
Học sinh có 45 phút để hoàn thành bài thi. Sau khi kết thúc bài kiểm tra, bài thi sẽ được máy tính chấm điểm và báo kết quả cho học sinh ngay sau đó. Theo thầy Cang, việc làm bài kiểm tra trên máy tính là một cách đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh được Sở GDĐT khuyến khích. Hình thức này cũng phát huy tính năng động, sáng tạo của người học và tiết kiệm thời gian chấm, trả bài của giáo viên.
Học sinh được làm bài thi giữa kỳ 1 trên máy tính, điện thoại cá nhân.
“Học sinh đang rất hào hứng với hình thức kiểm tra này. Các em có thể sử dụng điện thoại cá nhân hoặc máy tính để làm bài. Thay vì phải đợi giáo viên chấm bài, trả bài mới có kết quả, thì sau khi hoàn thành bài thi, học sinh biết kết quả ngay”, thầy Cang nhận xét.
Em Hồ Đăng Khoa (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Hữu Trang) chia sẻ: “Sang năm là tới lượt mình thi THPT Quốc gia để vào đại học, việc chuẩn bị sớm, có nhiều trải nghiệm sẽ giúp em và các bạn rút kinh nghiệm và quen dần với việc làm bài thi qua máy tính”, em Hồ Đăng Khoa chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cũng chia sẻ, hồi tháng 3, học sinh Trường THPT Nguyễn Du cũng đã được làm bài thi học kỳ môn Toán trên máy tính. Các thầy cô giáo cũng giao bài tập về nhà qua mạng Internet, học sinh có thể sử dụng máy tính hoặc điện thoại để làm bài.
Hình thức làm bài thi, kiểm tra trên máy tính đang được một số trường THPT tại TP.HCM áp dụng, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sau năm 2020.
Thầy Phú cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ việc thi, kiểm tra cũng như thi THPT Quốc gia trên máy tính. Việc này phù hợp với sự phát triển của công nghệ và giáo dục… Tuy nhiên, cũng theo thầy Phú, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là kỷ thi THPT Quốc gia, cần có sự quan tâm nhiều hơn với các trường vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn…
“Học sinh vùng nông thôn ít có cơ hội tiếp xúc với máy tính hơn nên sẽ khó thành thạo như học sinh thành phố. Nên đầu tư thêm về trang thiết bị để các em vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận, tạo sự công bằng cho các em”, thầy Phú chia sẻ.