Xác định nông nghiệp là mũi nhọn
Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, trong điều kiện của một tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, Yên Bái xác định vai trò, vị trí quan trọng của nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ, ổn định đời sống nhân dân, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Do đó tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vụ mùa, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực và từng bước phát triển sản xuất hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng cao.
Yên Bái tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ.
Phát triển, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, thu hút các nhà đầu tư gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng nông thôn mới ở vùng thấp.
Từ đó, đã ban hành 35 đề án, chính sách đồng bộ, toàn diện hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, phát triển nông thôn, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 10 món cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Ngoài ngân sách Trung ương, giai đoạn 2011-2015 ngân sách tỉnh đã bố trí trên 210 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2018, bố trí gần 370 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đến nay, có thể khẳng định, hầu hết các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh được triển khai thực hiện tốt, nhân dân đón nhận góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa ở những vùng có điều kiện.
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,4%/năm, giai đoạn 2016-2018 đạt gần 4,5%/năm, dự ước giai đoạn 2016-2020 là 5,0%/năm.
Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng trong ngành trồng trọt giảm từ 52,1% xuống còn 48,9% chăn nuôi tăng từ 23,2% lên 24,7%, lâm nghiệp tăng từ 20,2% lên 21,9%; ngành thủy sản tăng từ 3,4% lên 3,6%.
Huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, đóng góp của toàn xã hội và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trọng phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2011-2015, huy động được trên 5.500 tỷ đồng; giai đoạn 2-16-2018 huy động được trên 7.900 tỷ đồng cho phát triển nông thôn; từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, toàn tỉnh công nhận được 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 30% tổng số xã của tỉnh, vượt 104% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII.
Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập tăng bình quân gần 1,6 triệu đồng/người/năm; bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình) để nhân rộng và phấn đấu xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2019.
Về xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) nhắc đến cái tên Ngô Thành Đông có lẽ ai cũng biết, bởi lẽ ông là một người nông dân có nhiều đất đồi rừng (300ha), tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Riêng bưởi mỗi năm ông Đông bán ra 1.200 tấn; chanh xuất khẩu hơn 1.000 tấn.
Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh, vì xác định nông nghiệp là đỡ và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững nên trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Việc này sẽ góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, là nền tảng cho phát triển kinh tế, trọng tâm là đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.
Hỗ trợ phát triển chuỗi từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ, phù hợp với điều kiện vùng, miền. Coi phát triển nông nghiệp hiệu quả cao là trọng tâm, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường là khâu đột phá.
Xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 10 năm 2021-2030 đạt khoảng 5,4% (cao hơn giai đoạn 2016-2020 5,2%). Chuyển đổi dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó là phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các trung tâm, cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường song song với tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi đặc sản.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tăng 8,9% (cao hơn giai đoạn 2016-2020 7,5%), góp phần tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030.
Tập trung phát triển ngành lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp tục mở rộng xã hội hóa nghề rừng, giao đất, giao rừng cho hộ, cộng đồng thôn, bản và tổ chức, cá nhân để nâng cao hiệu quả chăm sóc.
Bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và phát triển trồng rừng sản xuất, tăng chất lượng rừng; chuyển diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả, quế… theo hướng thâm canh, hình thành các vùng trồng tập trung có giá trị kinh tế cao để người dân có thể sống được nhờ rừng.
Phấn đấu trồng rừng bình quân hàng năm từ 15.000 ha – 17.000 ha, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 2030 đạt 63%; giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 tăng 6,6% (cao hơn giai đoạn 2016-2020 6,4%), góp phần tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp từ 26% năm 2020 lên 28% năm 2030.
Mở rộng diện tích nuôi trông thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản đặc sản, có giá trị cao (cá nheo, cá lăng, cá tầm…), nâng giá trị sản phẩm bình quân trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 95 triệu đồng/ha năm 2015, lên 130 triệu đồng/ha năm 2020, đến năm 2030 gấp 1,5-2 lần so với năm 2020.
Huy động có hiệu quả các nguồn lực để xây dụng nông thôn mới bền vững, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đồng thời, thường xuyên rà soát, duy trì, và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thông mới của các xã được công nhận đạt chuẩn.
Phấn đấu đến năm 2025 có 65%, đến năm 2030 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm từ 03 – 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2030 thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,0 lần so với năm 2020.