Dân Việt

CMND cũ, mất ngày tháng năm sinh đổi sang thẻ căn cước được không?

Yến Linh 16/10/2019 10:01 GMT+7
Chứng minh nhân dân của tôi đã bị cũ và không có ngày tháng năm sinh không đầy đủ, liệu tôi có thể làm thẻ căn cước công dân không? Thủ tục như thế nào? (haiphong244@gmail.com)

CMND bị cũ, mất ngày tháng năm sinh có đổi sang thẻ căn cước được không?

Trả lời:

Theo thông tin bạn đọc cung cấp, chứng minh nhân dân của bạn bị cũ, không có đầy đủ ngày tháng năm sinh và bạn muốn làm thẻ căn cước công dân, luật sư Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tư vấn như sau:

Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

img

Chứng minh nhân dân cũ bị mờ số. Ảnh minh họa.I.T

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định chứng minh nhân dân bạn đang sử dụng mà được cấp trước ngày 1/1/2016 thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định là 15 năm kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu làm thẻ căn cước công dân thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện thủ cấp đổi từ chúng minh nhân dân sang căn cước công dân.

Thông tư số 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân tại Điều 12, cụ thể:

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân 

a) Công dân điền vào tờ khai căn cước công dân;

b) Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong tờ khai căn cước công dân với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin hoặc thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai căn cước công dân để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu;

Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu.

Trường hợp công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này.

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ căn cước công dân.

Căn cứ theo quy định trên công dân cầm chứng minh thư đến cơ quan công an, điền vào tờ khai căn cước công dân. Trường hợp đủ điều kiện, thủ tục thì tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung của công dân, phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (mẫu CC02) chuyển cho công dân kiểm tra xác nhận thông tin, in giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cho công dân.

Khi công dân làm thủ tục chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp, cắt góc và trả chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục.

Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an cấp huyện nơi công dân đăng ký thường trú.

Thời hạn giải quyết: Không quá 7 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc (khoản 1 Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014).

Lệ phí: Căn cứ theo quy định Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2019/TT-BTC  Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.