Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy, để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Lạm dụng rượu bia gây nên nhiều gánh nặng về bệnh tật và các vấn đề xã hội.
Theo Bộ trưởng Tiến, phòng chống được tác hại rượu bia, hạn chế người dân sử dụng rượu bia sẽ giảm bớt được nhiều gánh nặng gia đình, xã hội, hạn chế được bệnh không lây nhiễm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ thêm, trong công việc mới mà bà sắp đảm nhiệm, cũng có nhiều liên quan đến công tác bảo vệ sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, xây dựng thành công Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã khó nhưng để đưa được nó vào cuộc sống, thực thi nghiêm các quy định của Luật còn khó hơn: “Đây là Luật liên quan đến hành vi, thói quen của người dân, đặc biệt, rượu bia là sản phẩm gây nghiện, nên việc điều chỉnh thay đổi hành vi là rất khó".
Theo bà Trang, để Luật đi vào cuộc sống, đầu tiên phải ban hành đầy đủ, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành luật để quy định một cách hoàn chỉnh, giúp việc tổ chức triển khai luật được thông suốt, không vướng mắc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật, không chỉ đến người dân mà đến tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, các quy định về địa điểm bán rượu bia, thời gian bán rượu bia, các quy định địa điểm không uống, các quy định về quảng cáo, khuyến mại… phải được tổ chức thực thi tốt, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Về quy định quản lý rượu thủ công, phải có sự phân công, phân nhiệm trách nhiệm chính không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của UBND các cấp, đặc biệt là UBND xã, phường.
"Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%" . (Theo Bộ Y tế) |