Dân Việt

Ngành y tế khởi sắc thế nào dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Kim Tiến?

Diệu Linh 16/10/2019 15:07 GMT+7
Trong hơn 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã lãnh đạo ngành y tế đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giúp bộ mặt ngành y tế có sự đổi thay rõ rệt.

“Thay da đổi thịt” bệnh viện

Ngày 4/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 2151/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. 

Quyết định này đã nhận được sự hưởng ứng quyết liệt của lãnh đạo y tế các tỉnh, thành phố cũng như lãnh đạo các cơ sở y tế từ T.Ư đến địa phương. Các cơ sở y tế đồng loạt có các hoạt động làm “thay da đổi thịt” ngành y tế. Sự thay đổi từ cơ sở vật chất rõ ràng nhất là khu đón tiếp bệnh nhân, phòng khám bệnh, đến phong cách phục vụ của cán bộ y tế.

img

Người dân tại Trung tâm y tế TP.Thái Nguyên đã bày tỏ sự hài lòng với Bộ trưởng khi bà có chuyến công tác ở đây, ngày 15/10.

Nhân viên y tế được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…, đồng thời quán triệt tư tưởng, thay đổi từ thái độ “ban ơn” sang thái độ “khách hàng là thượng đế”, chào đón bệnh nhân bằng nụ cười, đến chào hỏi, về cảm ơn.

Từ Bộ Y tế, Sở Y tế đến các bệnh viện đều có đường dây nóng, hộp thư để người bệnh phản ánh ý kiến. Khi tiếp nhận phản ánh, điều tra ra sai phạm của nhân viên y tế thì đều có các hình thức xử phạt nghiêm khắc từ trừ lương, cách chức đến buộc thôi việc.

img

Bệnh viện đa khoa Hải Hậu (Nam Định) đẹp như công viên.

Song song với việc đổi mới phong cách thái độ phục vụ, ngày 15/7/2016, Bộ trưởng Tiến lại ký Quyết định số 3638/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Kế hoạch này yêu cầu các BV tiếp tục cải tiến bộ mặt của mình, tiến tới BV xanh, đẹp, người bệnh đi khám mà như… tới công viên.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng có câu nói nổi tiếng: “Để nhà vệ sinh BV bẩn là lãnh đạo các BV bẩn” khá nổi tiếng nhưng cũng chứng tỏ sự quyết liệt của Bộ trưởng trong việc yêu cầu lãnh đạo BV thay đổi nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

img

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Cần Thơ.

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2018, Tổ chức sáng kiến Việt Nam khảo sát qua điện thoại tại 60 BV trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, kết quả, sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%). So với những năm 2011- 2012, mức độ hài lòng của người bệnh đã tăng rõ rệt.

Giảm tải BV tuyến trên

Những năm 2011-2013, các BV T.Ư nan giải trong việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các chuyên khoa nhi, tim mạch, ung bướu, sản - nhi, ngoại - chấn thương… của nhiều bệnh viện T.Ư như BV Nhi, BV K, BV Phụ Sản, BV Từ Dũ, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Việt Đức…

Tình trạng nằm ghép 3, ghép 4 khá phổ biến tại các chuyên khoa này. Bộ trưởng Tiến trong những lần đi thăm BV  không ít lần thấy bệnh nhân “trong gầm giường”… vì trên giường không còn chỗ. Sự quá tải BV không chỉ khiến bệnh nhân khổ sở mà còn khiến tình trạng nhiễm khuẩn BV, lây nhiễm chéo ra tăng, hạn chế khả năng điều trị bệnh hoặc kéo dài thời gian điều trị, gây tốn kém, nguy hại đến tính mạng người bệnh.

img

Nhờ Đề án Bệnh viện Vệ tinh, người dân được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng ngay gần nhà (Bộ trưởng Tiến hỏi thăm bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bắc Hà (Lào Cai).

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ký Đề án Giảm tải BV vào năm 2013. Để thực hiện Đề án này, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng các đề án “con” như xây mới nhiều BV, nhiều khoa phòng; Đề án BV vệ tinh; Đề án xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới …

Bộ Y tế thông tin, theo kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 BV trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 2.700 khoa, khoa cận lâm sàng là 977 khoa. Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 1.039 khoa, khoa cận lâm sàng là 362 khoa.

Bộ Y tế cho hay, số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường, trong đó, tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh - thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường. Số giường bệnh thực kê là 56.501 giường, tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh - thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

5 năm qua, cả nước đã có 23 BV hạt nhân và và 138 BV vệ tinh (tuyến tỉnh, huyện). Đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho BV vệ tinh tuyến dưới với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Nhờ chuyển giao kỹ thuật thành công, 85,5% BV vệ tinh có xu hướng chuyển tuyến giảm.

Nhiều chuyên khoa giảm chỉ còn 1-2% chuyển tuyến. Đặc biệt, với chuyên khoa tim mạch trước đây, BV tim mạch tuyến T.Ư và tuyến cuối của Hà Nội rất đông, 3 - 5 người bệnh/giường nhưng nay đã giảm tải. Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ung thư, sản nhi, tỷ lệ chuyển tuyến dưới lên trên cũng giảm.

Viện phí tiến tới tính đúng tính đủ

Thời gian PGS-TS Tiến làm Bộ trưởng, ngành y tế đã có những sự đổi mới cải cách cơ chế tài chính trong y tế. Từ năm 2012, giá dịch vụ y tế từ bao cấp chuyển dần sang y tế thị trường khi giá viện phí được tiến tới tính đúng, tính đủ với nhiều lần tăng giá.

img

Viện phí tăng nhưng người dân được chính sách bảo hiểm y tế bảo vệ.

Hiện nay, giá viện đã bao gồm 5/7 yếu tố (chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị). Hiện còn 2 yếu tố chi phí khấu hao nhà cửa, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa được cấu thành vào giá viện phí.

Cụ thể, trước khi tăng viện phí, giá khám chữa bệnh chỉ 2-3.000 đồng/lượt khám (bằng giá gửi xe) thì đến nay giá khám chữa bệnh từ 27.500 đồng đến 38.700 đồng/lượt khám bệnh. Giá tiền giường từ hơn 10.000 đồng/ngày đêm thì nay thay đổi khá lớn tới vài trăm nghìn đồng/ngày đêm, giường hồi sức cấp cứu còn lên đến gần 1 triệu đồng/ngày.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã dự thảo Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc, Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh giá viện phí trong đó tính thêm yếu tố thứ 6 (chi phí quản lý và chi phí duy tu, bảo dưỡng)… Theo lộ trình, đến năm 2020, viện phí sẽ tính đúng tính đủ cả 7 yếu tố.

Theo Bộ Y tế, việc tiến tới viện phí tính đúng tính đủ nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ về nguồn lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động có hiệu quả trong các nhiệm vụ của mình, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, giúp người bệnh có nhiều lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh hiệu quả, chất lượng hơn. Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho các bệnh viện mà chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh như hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, giảm tỷ lệ đồng chi trả của người bệnh…

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959 (60 tuổi), quê Hà Tĩnh. Trình độ chuyên môn: phó giáo sư – tiến sĩ Y khoa.

Bà là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI; đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.

Bà từng là Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ tháng 8/2011 đến nay là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đầu tháng 7/2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (người tiền nhiệm của bà Tiến ở chức vụ này là ông Nguyễn Quốc Triệu, ông Triệu cũng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế).

Ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Buổi làm việc nhằm triển khai thi hành Quyết định của Bộ Chính trị phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế trước đó do bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đảm nhiệm. Như vậy, việc ông Đam kiêm giữ thêm chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế đồng nghĩa việc bà Nguyễn Thị Kim Tiến thôi chức vụ này. 

Tại kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào 21/10 tới, Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.