Khu vực thả cá Koi và cá chép trên sông Tô Lịch.
Sáng 16/10, tức tròn 1 tháng kể từ ngày đàn cá Koi Nhật Bản được thả xuống khu bể xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor, ghi nhận của PV, khu vực thả cá vẫn luôn có bảo vệ canh gác cùng các camera theo dõi ở nhiều nơi. Đàn cá ít khi nổi lên mặt nước.
Một bảo vệ của công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) – đơn vị thả cá cho hay, cá thường nổi lên vào buổi sáng sớm, trời mát hoặc lúc cho ăn, còn khi nắng lên thì chúng lặn xuống dưới đáy bể.
Bảo vệ này cũng tiết lộ, thời gian đầu sau khi thả có khoảng 3-4 con cá Koi chết, còn từ đó đến nay, đàn cá vẫn sống khỏe mạnh và chưa có hiện tượng chết thêm.
Đàn cá ít khi nổi lên mặt nước và trên mặt bể có một lớp lưới thép chắn bảo vệ.
Để đảm bảo an toàn cho đàn cá, công ty JVE chỉ đạo các bảo vệ hạn chế người dân tiếp cận khu thả cá. Kể cả khi PV muốn tiếp cận, bảo vệ cũng yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo, chứng minh thư, xin tên, tuổi, số điện thoại để báo cáo về công ty.
“Chúng tôi phải làm thế để đề phòng các thế lực thù địch hại đàn cá”, bảo vệ JVE chia sẻ.
Buổi tối, bảo vệ sẽ kéo lưới chắn thép trên mặt bể và khóa lại. Ngoài ra, khi có người tiếp cận khu vực thả cá, camera an ninh sẽ ghi lại, đồng thời báo động tới bảo vệ.
Khu vực quây lưới thả cá rô đồng trực tiếp trên sông Tô Lịch cạn nước, chỉ còn vài con cá còn sống.
Riêng về đàn cá rô đồng thả trực tiếp trên sông Tô Lịch đoạn được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor, bảo vệ JVE cho hay, vào một tối cách đây khoảng 3-4 ngày, trời mưa to và nước sông dâng cao khiến đàn cá bị thay đổi môi trường sống nên chết gần hết.
Đến thời điểm ngày 16/10, ghi nhận của PV, nước sông Tô Lịch lại xuống rất thấp. Khu vực thả cá rô đồng trên sông nằm sát bờ bị cạn nước, vẫn còn một vài con cá còn sống.
Về 4 chiếc máy sục khí Nano trên sông Tô Lịch, dù đã hết hạn thử nghiệm nhưng những chiếc máy này vẫn hoạt động bình thường và sục lên trên mặt sông những dòng bọt trắng.
Đàn cá Koi và cá chép ở một góc hồ Tây vẫn sống khỏe mạnh.
Tại khu vực thí điểm công nghệ Nano ở một góc hồ Tây, nơi cũng được thả cá Koi và cá chép cùng ngày với sông Tô Lịch, bảo vệ công ty JVE tại đây cho hay, đàn cá vẫn sống khỏe và chưa có hiện tượng cá chết.
Trước đó, ngày 16/9, sau khi hết hạn thử nghiệm 4 tháng công nghệ Nano Bioreactor trên sông Tô Lịch và một góc hồ Tây, các đơn vị liên quan đã tiến hành lấy mẫu nước mang đi phân tích để đánh giá hiệu của của công nghệ Nhật Bản.
Song song với việc lấy mẫu nước, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã tiến hành thả 100 con cá Koi Nhật Bản, 150 con cá chép Việt Nam, cùng khoảng hơn 200 cá rô đồng… xuống sông Tô Lịch và hồ Tây đoạn được xử lý bằng máy sục khí Nano.
Khu vực này rộng hơn khu bể trên sông Tô Lịch nên đàn cá bơi lội và nổi lên mặt nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty JVE cho rằng, việc thả cá này sẽ chứng minh nước sau xử lý bằng công nghệ Nano có các chỉ số như oxy hòa tan trong nước, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Tuy nhiên, sau khi thả 2-3 ngày, đã xuất hiện tình trạng cá Koi chết trên sông Tô Lịch. Công ty JVE nghi ngờ có đối tượng phá hoại, có dấu hiệu đầu độc nên đã nhờ chuyên gia thủy sản vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.
Đàn cá Koi Nhật được thả xuống sông Tô Lịch lặn xuống đáy bể khu xử lý, thỉnh thoảng mới có con ngoi lên mặt nước.