Dân Việt

Thư viện sách trại giam Phú Sơn 4: 5 năm hoạt động có 2.670 cuốn sách 

Việt Hưng 16/10/2019 13:49 GMT+7
Sau 5 năm đi vào hoạt động, 2.670 cuốn sách đã được trên 5.000 phạm nhân đọc tại thư viện sách tại trại giam Phú Sơn 4 thuộc Tổng cục VIII (nay là Cục C10) Bộ Công an. 

Vừa qua, Bộ Công an và Bộ VHTTDL đã tổng kết chương trình số 2645/Ctr – BVHTTDL – BCA, 5 năm triển khai thực hiện xây dựng thư viện sách dành cho phạm nhân, tổng kết đánh giá và phát huy những thành quả đã đạt được tại trại giam Phú Sơn 4 – Thái Nguyên. 

img

Các phạm nhân đọc sách tại thư viện

Trại giam Phú Sơn 4 thuộc Tổng cục VIII (nay là Cục C10) Bộ Công an, là đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 10km. Đơn vị có 6 phân trại trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo trên 5.000 phạm nhân. Công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân còn gặp một số khó khăn, do phạm nhân không có nhiều điều kiện học tập, tìm hiểu thông tin qua sách, báo. 

Với mong muốn được tham gia đóng góp một phần nhỏ bé vào quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân theo khẩu hiệu "Sách góp phần giúp phạm nhân tự giáo huấn, cảm hóa chính bản thân mình", đầu năm 2013, ông Đỗ Bình Nguyên - Giám đốc thư viện tỉnh Thái Nguyên, đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thái Nguyên, được sự giúp đỡ của Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia và Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã chủ động trao đổi với lãnh đạo trại giam Phú Sơn 4 về việc xây dựng thí điểm và tổ chức hoạt động thư viện dành cho phạm nhân.  

Được sự đồng thuận của Bộ Công an và Bộ VHTTDL, ngày 6/9/2013 thư viện đi vào hoạt động, với trên 1.200 bản sách hạt nhân và một số loại báo, tạp chí. Nguồn sách hạt nhân của thư viện tập trung với các chủ đề chính trị, xã hội, pháp luật, lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, tâm lý học... Đến nay, số lượng sách của thư viện dành cho phạm nhân tăng gấp hơn hai lần, đạt 2.670 bản. 

5 năm hoạt động thư viện dành cho phạm nhân, trại giam Phú Sơn 4 – Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục, cải tạo, giúp phạm nhân có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Đặc biệt, cuộc thi sân khấu hóa “Cảm nhận về sách” của phạm nhân Trại giam Phú Sơn 4 năm 2018 đã có sức lan tỏa tích cực về văn hóa đọc, nâng cao nhận thức hiểu biết về pháp luật, đạo đức, văn hóa, xã hội, giúp phạm nhân vượt qua khó khăn trong quá trình chấp hành án, rèn luyện nhân cách, lối sống. 

Phạm nhân Lê Văn Hùng sinh năm 1969 với tội danh mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 16 năm chia sẻ: "Nhờ phân trại có thư viện sách dành cho phạm nhân, nên những lúc rảnh rỗi, tôi lại tìm đến thư viện để tìm hiểu thông tin, để tâm hồn được thư giãn. Thông qua những cuốn sách tôi nhận ra tội lỗi của mình, tôi có cái nhìn trong sáng hơn về cuộc sống, tôi hiểu hơn về lẽ sống ở đời, tôi được thức tỉnh".

Phạm nhân Lê Quang Bách sinh năm 1959 với tội dành lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án phạt 12 năm đã viết: "Từ khi có thư viện sách dành cho phạm nhân, thư viện là điểm đến của tất cả các phạm nhân trong trại, từ phạm nhân tuổi đơi còn rất trẻ đến phạm nhân cao tuổi. Sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó, chúng tôi lại túm tụm bàn luận, trao đổi và kể cho nhau nghe về nội dung cuốn sách, chia sẻ thông tin luật pháp…".

Cuộc thi “Cảm nhận về sách” thực sự tác dụng, bổ trợ cho công tác giáo dục, làm phong phú thêm về hình thức giáo dục, cảm hóa phạm nhân trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân của trại giam Phú Sơn 4. 

Trong buổi tổng kết 5 năm hoạt động thư viện dành cho phạm nhân tại trại giam Phú Sơn 4 – Thái Nguyên, Đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó cục trưởng Cục C10 Bộ Công an chia sẻ, 5 năm chưa phải là dài, nhưng nhờ có sách, thời gian cải tạo lao động của phạm nhân có ý nghĩa hơn. Văn hóa đọc đã góp phần giúp phạm nhân cảm hóa chính bản thân họ. Đó chính là thành công của mô hình sách dành cho phạm nhân trong trại giam.

Mô hình thư viện sách trại giam thực sự ý nghĩa và đầy tính nhân văn, sách góp phần xua tan những "khoảng tối" trong tâm hồn mỗi phạm nhân. Hiện nay Cục C10 Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng thư viện sách trong các trại giam, đưa cả sách vào tận phòng giam để phạm nhân nghiên cứu, vì tính hiệu quả tốt đẹp mà sách mang lại.