Các bị cáo tại phiên tòa.
Thông tin nghi ngờ có gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia một năm trước đó (năm 2017) đã khiến ông Vũ Văn Sử và bà Triệu Thị Chính (bị cáo, nguyên PGĐ Sở) bàn nhau lắp đặt camera giám sát phòng chứa bài thi của các thí sinh và phòng chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018.
Có mặt tại tòa với tư cách Người làm chứng, sáng 16/10, ông Sử cho biết, năm 2018, Bộ GD&ĐT chưa có quy định về việc trang bị camera giám sát nhưng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã chủ động lắp đặt camera giám sát phòng chứa bài thi và phòng chấm thi.
Cũng qua hệ thống camera giám sát, chính ông Sử phát hiện Vũ Trọng Lương – nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – lột tem niêm phong phòng chứa bài thi đặt tại Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang và bê hòm chứa bài thi đi nơi khác (mang về Phòng Khảo thí tại Sở GD&ĐT để sửa bài thi cho các thí sinh cần nâng điểm).
“Tôi chỉ quan sát được việc Lương lột tem niêm phong và bê hòm đựng bài thi ra ngoài”, ông Sử nói.
Ngay sau đó, ông Sử triệu tập cuộc họp nhưng Lương xin phép vắng mặt, dù các thành viên được triệu tập cố gắng liên lạc qua điện thoại với Lương nhưng không thể.
Ngày hôm sau, tại cuộc họp trong Sở GD&ĐT, Vũ Trọng Lương ban đầu không thừa nhận vi phạm, nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, Lương thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của Hội đồng thi.
Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nói vụ việc xảy ra là điều “hết sức đau lòng”, đồng thời cho biết ông thực sự bị “choáng”, “sốc”.
Ông Vũ Văn Sử đang trả lời HĐXX. Ngồi bên tay phải ông Sử là bị cáo Triệu Thị Chính, Nguyễn Thanh Hoài.
Cũng trong sáng nay, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó GĐ Sở, có mặt tại tòa với tư cách Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ông Bình cũng cho rằng sự việc xảy ra là sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục tỉnh, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của ngành.
Tuy nhiên, các bị cáo đều là những người có thời gian công tác lâu năm trong ngành giáo dục, có nhiều cống hiến cho hoạt động chung của ngành và đã được đánh giá xếp loại hàng năm cũng như qua các bằng khen, giấy khen họ nhận được.
Do đó, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang bày tỏ mong muốn HĐXX khi lượng hình đảm bảo sự công minh của pháp luật nhưng đồng thời xem xét đến những cống hiến của các bị cáo, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Về phía ông Vũ Văn Sử, ông thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho cấp phó của mình là Triệu Thị Chính, đồng thời khẳng định chỉ nhờ bị cáo Chính xem điểm hộ, chứ không phải nhờ nâng điểm.
3 thí sinh này có tên trong danh sách 13 thí sinh được đánh máy trong một tờ giấy mà Triệu Thị Chính đưa cho Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Trong đó có ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và cả… số điểm cần nâng.
Cả Triệu Thị Chính và ông Vũ Văn Sử đều khẳng định chỉ yêu cầu Hoài “xem điểm” chứ không “nâng điểm” cho các thí sinh, trong số đó có một thí sinh là con trai bà Nông Lâm Thanh Triều, công tác tại Phòng Giáo dục huyện Xín Mần. Do chồng bà Triều là bộ đội biên phòng, không may đột tử đúng ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT nên khi biết chuyện, ông Sử tự ý yêu cầu bà Chính lưu ý trường hợp đặc biệt này, “nếu đỗ thì tốt, nếu không thì ta nên đưa vào danh sách xét đặc cách”.
Tại tòa, bà Triều cho biết không hề nhờ vả bất kỳ ai ở Sở Giáo dục về việc này, thực tế con trai bà dù đỗ tốt nghiệp nhưng cũng không đủ điểm vào Đại học theo nguyện vọng.
HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi với cựu Giám đốc Sở, ông Sử cho biết bản thân đã nhận trách nhiệm với cơ quan cao nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Sử nói điều khó nhất chính là yếu tố con người, ông không bao giờ ngờ Hà Giang lại xảy ra việc nâng điểm thi.