Đóng băng cơ thể
Đức Quốc xã thực hiện thí nghiệm đóng băng trên cơ thể người nhằm mô phỏng các điều kiện mà quân đội Đức phải đối diện trên mặt trận phía đông. Bác sĩ Đức Quốc xã thả những binh sĩ Nga hoặc người Do Thái khỏe mạnh vào một thùng nước lạnh.
Bác sĩ Đức Quốc xã đang thử nghiệm sức chịu đựng của nạn nhân. Ảnh: National Archives.
Đa số nạn nhân mất ý thức và tử vong khi nhiệt độ cơ thể là 25 độ C hoặc thấp hơn. Đối với người còn sống, các bác sĩ tiếp tục dội nước sôi vào bàng quang, ruột và dạ dày.
Gỡ bỏ xương
Để nghiên cứu về quá trình tái sinh của cơ thể, bác sĩ Đức Quốc xã chọn những người khỏe mạnh rồi gỡ bỏ xương ở vai, cánh tay, hông của nạn nhân và ghép vào một cơ thể khác.
Những vết khâu chằng chịt trên cơ thể nạn nhân của thí nghiệm do bác sĩ của Đức Quốc xã thực hiện. Ảnh: National Archives.
“Dù không biết họ làm những gì, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn, như thể một phần chân tôi bị cắt lìa. Hai tuần sau đó, các bác sĩ đưa chúng tôi trở lại bàn phẫu thuật. Họ gỡ băng gạc ở chân. Lúc ấy, tôi thấy rõ những vết rạch sâu đến thấu xương”, Vladislava Karolewska, một nạn nhân may mắn sống sót sau thí nghiệm, kể lại.
Tiêm virus sốt rét vào cơ thể nạn nhân
Trong Thế chiến II, hơn 1.000 người tại trại tập trung Dachau trở thành “chuột thí nghiệm” về khả năng miễn dịch của cơ thể với virus sốt rét. Đức Quốc xã cho muỗi đốt các nạn nhân hoặc bơm trực tiếp loại máu nhiễm bệnh vào tĩnh mạch của họ.
Sau khi các triệu chứng như sốt kéo dài, đau đầu hoặc hôn mê xuất hiện, bác sĩ tiếp tục bơm máu nhiễm bệnh lần thứ 2 vào cơ thể bệnh nhân. Thí nghiệm đã khiến gần 500 người tử vong. "Khi ấy, tôi mất trí và mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ”, Father Leo Michalowski, một nạn nhân sống sót sau thí nghiệm, cho biết.
Thí nghiệm độ cao
Nhốt nạn nhân vào buồng áp suất và tăng dần độ cao để nghiên cứu giới hạn chịu đựng của con người là thí nghiệm do bác sĩ Sgmund Rascher thực hiện vào năm 1942.
Đức Quốc xã trói chặt đối tượng thí nghiệm bên trong buồng lái và tăng độ cao. Ảnh: National Archives.
Áp suất bên trong buồng tương đương với điều kiện trong máy bay khi nó hoạt động ở độ cao 20.700 m. Đa số nạn nhân của thí nghiệm phải chịu nhiều chấn thương.
Tiêm virus vàng da vào cơ thể nạn nhân
Từ năm 1943 đến 1945, bác sĩ Karl Brandt của Đức Quốc xã là người đứng đầu nhóm thí nghiệm về bệnh vàng da hay còn gọi là viêm gan A tại 2 trại tập trung Sachsenhausen và Natzweiler. Nạn nhân được tiêm vào cơ thể loại virus gây bệnh. Hàng loạt triệu chứng mà họ phải trải qua bao gồm đau bụng, sốt và buồn nôn.
Bác sĩ Đức Quốc xã Karl Brandt bị xét xử tại phiên tòa ngày 20/8/1947. Ảnh: Wikipedia.
Kết quả, nhiều nạn nhân thiệt mạng vì nhiễm trùng, trong khi những người khác phải chịu nhiều đau đớn. Brandt sau đó phải hầu tòa vì những xét nghiệm vô nhân tính.