Theo đó, ông Võ Văn Hoan thống nhất cơ bản nội dung điều chỉnh quy hoạch cục bộ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn TP.HCM, theo báo cáo của đơn vị tư vấn.
Ông Hoan giao Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và các đơn vị liên quan bổ sung một số nội dung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ các nhà máy xử lý nước thải.
Trong đó, ông Hoan yêu cầu “nghiên cứu, bổ sung hạng mục xây dựng nhà máy nước cấp cạnh khu vực nhà máy xử lý nước thải, trên cơ sở tận dụng toàn bộ lượng nước thải sau xử lý (650.000m3/ngày) làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nước cấp, triển khai trong giai đoạn 2 của dự án (năm 2030)”.
Diện tích đất quy hoạch còn lại sau khi xây dựng nhà máy xử lý nước thải được sử dụng để xây dựng mảng cây xanh cách ly, công viên cây xanh, tạo cảnh quan môi trường cho dự án…
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng tọa lạc ở huyện Bình Chánh, hiện là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TP.HCM. Ảnh: H.H
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao UBND quận Bình Tân lấy ý kiến cộng đồng người dân về mô hình nhà máy xử lý nước thải công nghệ hiện đại để giới thiệu dự án, vận động người dân đồng thuận.
Được biết, hiện, TP.HCM đã có kế hoạch xây dựng một số dự án xử lý nước thải gồm: Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày); trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 (công suất 170.000m3/ngày); nhà máy xử lý nước thải Bình Tân (nâng cấp và mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 180.000m3/ngày); nhà máy xử lý nước thải lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày).
Hiện, TP.HCM mới có trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày đêm và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000m3/ngày đêm. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện hữu là 171.000m3, xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố.