Nỗi đau mất chân
Là một cái tên khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook, để có được cuộc hẹn với chàng trai Nguyễn Văn Lưu chúng tôi phải chờ đợi rất lâu vì lịch của cậu ta dường như kín cả tuần, nay ở miền Nam, mai lại ra miền Bắc chỉ với công việc duy nhất là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Chàng trai Nguyễn Văn Lưu sống chung để trải nghiệm với khó khăn của những mảnh đời trước khi viết bài kêu gọi giúp đỡ. Ảnh: Dũ Tuấn
"Hiện, tôi đang ăn chay trường và khi trời đã cho tôi cái duyên giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh thì khi nào còn sức khỏe, còn thương người thì vẫn cứ bước đi, tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình”. Anh Nguyễn Văn Lưu |
Cuộc trò chuyện bắt đầu ở quán cà phê ven đường Quy Nhơn, Lưu tỏ ra là một thanh niên rắn rỏi với những suy nghĩ già dặn hơn so với lứa tuổi 26 của mình. Gương mặt của chàng trai này luôn nở nụ cười thân thiện và khiếu ăn nói đầy tự tin, cuốn hút.
Lưu sinh ra trong gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 Lưu vào Nam lập nghiệp. Thế nhưng, cuối tháng 9/2016, trên đường đi làm về đến đoạn đường Phan Đình Phùng (TP.Hồ Chí Minh), xe máy do chính Lưu điều khiển bị xe ôtô 7 chỗ đâm trúng khiến Lưu ngã xuống đường. Đau đớn, chàng thanh niên này cố gượng dậy thì chân trái của mình đã bị gãy gập lại, không thể nhấc lên nổi.
“Quá hoảng sợ, tôi đã khóc cầu cứu mong mọi người đưa đi bệnh viện nhưng dù đứng lại xem rất đông vẫn không hề có ai giúp đỡ. Tuyệt vọng, tôi cố gắng gượng trong cơn đau, tự mình đón xe đến viện, bác sĩ cho biết vết thương quá nặng phải ký giấy cắt bỏ chân” - Lưu nhớ lại.
Trong khi bố mẹ ở quê vẫn chưa biết chuyện chẳng lành đang đến với con trai thì Lưu đã nhờ các bác sĩ ở bệnh viện nói chuyện để bố mẹ đỡ lo, rồi Lưu tự ký giấy phẫu thuật. Lưu đã khóc suốt một tiếng đồng hồ khi nghĩ về gia đình, nghĩ về công việc dở dang và chuyện mất đi vĩnh viễn chân trái.
Càng nghĩ, Lưu càng tuyệt vọng, đã có lúc chàng trai này nghĩ đến cái chết nhưng vì thương bố mẹ nên không đành lòng.
Dù mất đi 1 chân nhưng Nguyễn Văn Lưu vẫn luôn lạc quan, yêu đời và có trái tim nhân hậu. Ảnh: D.T
“Ngày hôm sau, bố mẹ đến bệnh viện cũng là lúc tôi phẫu thuật xong. Nhìn chân con bị cắt cụt, mẹ tôi khóc ngất còn bố vội quệt ngang dòng nước mắt. Tôi mỉm cười để trấn an mình vẫn ổn với niềm tin mọi chuyện không sao cả, chắc chắn mình sống tốt. Từ lúc đó, dù chuyện gì xảy ra, tôi cũng cười để sống lạc quan hơn” - Lưu trải lòng.
Trong những ngày tháng điều trị ở viện, Nguyễn Văn Lưu bất ngờ nhận được sự giúp đỡ quan tâm từ rất nhiều người, khi họ tình cờ biết đến tai nạn của Lưu thông qua chia sẻ của một người bạn trên mạng xã hội Facebook. Mỗi ngày có đến hàng chục người đến thăm, người mua sữa, người cho tiền… nhưng tất cả họ đều là những người xa lạ, chưa hề từng gặp mặt.
Lưu tâm sự: “Tại sao không quen biết nhưng họ lại thăm tôi như người thân vậy, đây là câu hỏi mà cho đến khi giúp được người khác thì tôi mới ngẫm ra được ý nghĩa thực sự của nó. Cuộc sống tốt đẹp là sự chia sẻ, cho đi chứ không phải là nhận lấy, trước kia mình nhận được lòng tốt của nhiều người và lúc này là thời điểm thích hợp để trả lại”.
Giúp người không cần cảm ơn
Trong một lần học nghề tại tỉnh Vĩnh Phúc, Lưu có duyên gặp được cụ ông tên Nguyễn Văn Tiến (90 tuổi) không có gia đình, sống côi cút cùng với 6 con mèo hoang trong căn nhà ẩm thấp. Hình ảnh người đàn ông già, nghèo đói, cằn cỗi, không người thân nằm hỗn độn giữa không gian đầy rác thải. Lưu đau xót nghĩ về phận mình với chiếc chân giả… lúc về già sẽ xoay xở ra sao?
“Tôi đã khóc khi nhìn thấy ông và chợt nghĩ ngay về bản thân mình cô đơn, mất một chân, nằm một chỗ với đống phân, nước tiểu ấy. Hai đêm nằm buồn và khóc, suy nghĩ đến bản thân, cảm giác giống như lúc vừa bị cưa chân được đẩy ra khỏi phòng mổ và nằm khóc một mình. Thương ông, tôi quyết định chăm sóc ông và đưa thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người giúp đỡ” - Lưu cho hay.
Nói về cơ duyên gặp cụ Tiến, Lưu kể rằng, ông cụ sống sát vách nhà cô giáo nơi Lưu đang theo học nghề, ngửi mùi phân thối nên chàng trai này bước sang thì chứng kiến ông cụ nằm trong nhà không ai chăm sóc. Thấy thương cụ, ngày ngày Lưu tới chăm sóc, sáng thì mua đồ ăn mang cho ông, tắm rửa giặt quần áo rồi dọn nước tiểu và phân của lũ mèo. Trưa và tối, Lưu mua cháo, mua cơm đưa sang cho ông rồi thắp nhang cho cụ bà trước đi ra về. Sau khi hoàn thành khóa học xong, trước khi quay về Bình Định, Lưu đã nhờ những học viên ở tiệm thay phiên chăm sóc cụ lúc khó khăn.
Từ đó, mỗi ngày, Lưu nhận đến hàng chục trường hợp “kêu cứu” giúp đỡ qua mạng xã hội Facebook, nhận thấy trường hợp nào thực sự đặc biệt khó khăn thì dù ở bất cứ đâu, Lưu cũng tìm cách di chuyển, đi đến cho bằng được.
“Nếu muốn giúp trường hợp nào thì tôi phải ở với họ ít nhất 3 ngày để trải nghiệm những khó khăn thực sự mà họ đang gặp phải. Hình ảnh do chính tay tôi chụp chứ không lấy hình trên mạng để kêu gọi Mạnh Thường Quân, nhờ vậy chưa bao giờ lâm cảnh giúp nhầm người. ” - Lưu nói.
Lưu kể rằng, trong gần 1 tuần sống chung với trường hợp thương tâm là cụ ông tên T, chàng trai này đau lòng khi chứng kiến ông cụ bị gia đình lợi dụng. Cụ có 6 người con nhưng không nuôi nổi người cha, đến khi cụ được các Mạnh Thường Quân giúp thì những người con này thay phiên nhau nhận tiền. “Khi sức khỏe cụ yếu dần đi thì những người con không cho cụ đi bệnh viện mà cứ để ở nhà để người ta đến thăm cho tiền. Đây là việc làm quá đáng nên tôi quyết mang cụ ông đi bệnh viện, bởi nếu để ở nhà thì ông cụ này sẽ chết” - Lưu chia sẻ.
Khi nhắc về Nguyễn Văn Lưu, chị Huỳnh Thị Nhi ( 31 tuổi, ở tỉnh Bình Định) có con là Huỳnh Tuấn Anh Kiệt (12 tuổi) bị bệnh nằm ở ở Bệnh Viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh không giấu được nỗi xúc động và sự biết ơn.
Khi nhắc về Nguyễn Văn Lưu, chị Huỳnh Thị Nhi ( 31 tuổi, ở tỉnh Bình Định) có con là Huỳnh Tuấn Anh Kiệt (12 tuổi) bị bệnh nằm ở ở Bệnh Viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh không giấu được nỗi xúc động và sự biết ơn.
“Lưu là chàng trai tốt tính, gia đình chúng tôi không biết nói gì để cảm ơn tấm chân tình của chàng trai này. Con tôi mắc rất nhiều bệnh về da, men gan, nhiễm trùng máu nhưng ngặt nỗi gia đình lại quá khó khăn. Khi nghe tin kêu cứu, Lưu lặn lội từ Bình Định vào tận bệnh viện ở lại 5 ngày, phụ giúp tôi tắm rửa cho con. Nhờ Lưu mà tình trạng sức khỏe của con tôi dần ổn định, với số tiền hơn 200 triệu mà các mạnh thường quân giúp đỡ sau khi Lưu kêu gọi, tôi đã nhường 50 triệu cho các trường hợp khó khăn khác trong bệnh viện với mong muốn chia sẻ khó khăn với họ” - chị Nhi nói.