Buổi tham vấn do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức.
Tôn giáo có cần được pháp luật bảo hộ?
Tại buổi tham vấn, các đại biểu đã lựa chọn ra gần 20 điều liên quan tới các quyền của người dân tộc để thảo luận. Ở Điều 5: Quy định liên quan tới quyền dân tộc ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, nhà thơ Dương Thuấn - phụ trách website về dân tộc Tày ở Bắc Kạn cho rằng: Ngay ở phần lời nói đầu cần phải khẳng định quốc gia Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc và thêm ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Trong đó, các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Các đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số đóng góp ý kiến cho Dự thảo Hiến pháp 1992. |
Tại Điều 5, các đại biểu thống nhất nên bỏ cụm từ "Nhà nước tạo điều kiện" trong câu “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực...”, vì đó là trách nhiệm của Nhà nước. Đồng thời thống nhất bỏ cụm từ "tạo điều kiện", thay bằng từ “đảm bảo điều kiện”.
Ở Điều 25 liên quan tới tín ngưỡng tôn giáo, một đại diện đến từ Tổ chức SRD - một tổ chức phi chính phủ với các hoạt động về người nghèo - cho rằng nên bỏ khoản 2, vì với khoản 2 "tôn giáo được pháp luật bảo hộ" sẽ mâu thuẫn với quyền tự do tôn giáo. Trách nhiệm của Nhà nước phải đảm bảo được quyền tự do, giải quyết mâu thuẫn. "Hiến pháp đưa ra điều chung nhất và đảm bảo quyền con người. Hiến pháp chỉ nên quy định quyền được làm gì, không nên quy định không được làm gì" - đại diện này nói.
Theo ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ủy ban Dân tộc), hiện Việt Nam đã công nhận 6 tôn giáo. Làm sao để giải quyết được sự bình đẳng giữa các tôn giáo là vấn đề khó.
Người dân tộc phải được học hai ngôn ngữ
Sáng 28.2, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Tư pháp nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thắng Quang- H.P
Với các Điều 42, 66, ông Ma Văn Hùng - Bí thư Chi bộ thôn Làng Thượng, xã Quang Sơn (Chi Lăng, Lạng Sơn) cho rằng, với quy định “công dân có quyền học tập”, nên quy định thêm vùng dân tộc thiểu số có quyền được học song ngữ (cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Kinh).
Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc - dân tộc Mường ở Hòa Bình, sinh viên Đại học Sư phạm I Hà Nội cho rằng, Điều 66, khoản 2 có nhắc tới cụm từ "thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý", vậy "hợp lý là như thế nào"?
"Bản thân tôi khi xuống học đại học được biết có chính sách miễn giảm học phí cho người dân tộc. Nhưng 4 năm học đều không được miễn giảm học phí với lý do đang sống ở thành phố. Tuy nhiên, bạn ở cùng lớp cũng là người dân tộc, nhưng sống ở xã, nhà bạn ấy khá giả hơn lại được miễn giảm học phí, vậy tính hợp lý ở chỗ nào?" - chị Ngọc thẳng thắn góp ý.
Các đại biểu đã thống nhất cần xác định thế nào là vùng nghèo, từ đó sẽ liên quan tới các chính sách khác sao cho công bằng hơn và cần sửa lại là vùng dân tộc thiểu số có quyền học song ngữ...
Cần xây dựng luật về Đảng
Hiện chưa có luật về Đảng nên quy định tại Điều 4 Hiến pháp chưa đủ phòng ngừa bệnh lạm quyền, suy thoái (nếu có) của Đảng cầm quyền. Vì vậy, nhất thiết phải xây dựng luật về Đảng và Đảng cầm quyền, thì mới có khả năng phòng ngừa điều ấy. Đó là ý kiến của TS Hồ Bá Thâm đưa ra tại Hội nghị "Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 28.2.
Theo TS Hồ Bá Thâm, quy định như vậy giúp cán bộ đảng viên và người dân thường thấy ích nước lợi dân, đúng thực chất, lại dễ hiểu, dễ đồng ý chấp nhận và Đảng dễ thực hiện. "Đảng phải chịu trách nhiệm cá nhân một cách thực tế. Chúng tôi nghĩ rằng đa số nhân dân sẽ chấp nhận Điều 4 Hiến pháp nhiều hơn nếu như được bổ sung như vậy" - TS Hồ Bá Thâm khẳng định.
Theo TS Vũ Văn Nhiêm - Phó Trưởng khoa Luật Hành chính (Đại học Luật TP.HCM), Dự thảo Hiến pháp quy định là chủ tịch nước chỉ tham dự phiên họp Chính phủ như một khách mời. Quy định như vậy một mặt không tương xứng với vai trò của chủ tịch nước, mặt khác chủ tịch nước không có thẩm quyền tác động có hiệu quả vào hoạt động Chính phủ.
"Do vậy, đề xuất nên khôi phục lại 2 quy định theo tinh thần Hiến pháp 1959 là: "Khi xét thấy cần thiết, chủ tịch nước có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp Chính phủ. Khi xét thấy cần thiết, chủ tịch nước có quyền triệu tập và chủ tọa hội nghị chính trị đặc biệt". Trong điều kiện Việt Nam hiện nay đây là biện pháp rất có ý nghĩa để phát huy vai trò của chủ tịch nước trong việc kiểm soát lẫn nhau giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là kiểm soát hành pháp" - TS Vũ Văn Nhiêm nhấn mạnh.
Trọng Mạnh
Thanh Xuân