Dân Việt

Cuộc đời bi thảm của các thái giám Trung Quốc

Quỳnh Phương 18/10/2019 20:30 GMT+7
Từ khi tịnh thân tới khi làm việc trong cung, các thái giám Trung Quốc không chỉ khiếm khuyết về mặt thể xác, mà còn bạc nhược, khốn khổ về phương diện tinh thần.

img

Thái giám là những người đàn ông “tịnh thân” (cắt bỏ bộ phận sinh dục) để trở thành “người trung tính”, cả cuộc đời làm nô bộc hầu hạ hoàng đế và gia đình của hoàng đế trong triều đình Trung Quốc. Trong sử sách và dân gian, người ta còn gọi thái giám là hoạn quan, công công, nội quan, nội thần, nội giám.

img

Thái giám mày râu nhẵn nhụi, yết hầu không nổi, tiếng nói nhỏ nhẹ, nói chuyện ẻo lả như phụ nữ, cử chỉ điệu bộ toát lên vẻ “ái nam ái nữ”, trở thành người “trung tính”. Từ thời Đông Hán, cung cấm của các hoàng đế Trung Quốc mới bắt đầu yêu cầu toàn bộ nam giới hầu hạ trong cung trở thành hoạn quan để tránh rắc rối trong các mối quan hệ với số lượng lớn phụ nữ sinh sống trong cung.

img

Ông Tôn Diệu Đình, thái giám cuối cùng của lịch sử phong kiến Trung Quốc .Việc đầu tiên của người muốn trở thành thái giám là “tịnh thân”, tức cắt bỏ bộ phận sinh dục, khiến họ trở thành người "không hoàn thiện". Từ thời Quang Tự nhà Thanh, một nơi chuyên tịnh thân đã xuất hiện trong ngõ Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

img

Một năm 4 lần, tức mỗi mùa, các tịnh thân sư đều trình Tổng quản Phủ nội vụ những đứa trẻ đã tịnh thân. Tịnh thân sư ký một bản giao kèo với cha mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ, gọi là "văn thư", để tránh phiền phức về sau. Nhưng điều quan trọng là tịnh thân sư coi đó là bằng chứng. Sau này, khi đứa trẻ giàu sang, tịnh thân sư sẽ hưởng một khoản tiền.   

img

Sau khi vào trong cung, trừ vài người có quyền thế, đa số thái giám chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi để sống qua ngày. Thậm chí họ phải chịu đựng cuộc sống rất thê thảm. Thái giám là người có thể cảm nhận rõ nhất câu nói “Làm bạn với vua như làm bạn với hổ”. Theo sử sách, trong mắt của Từ Hy thái hậu, tính mạng của thái giám còn không bằng con kiến dưới chân bà. Hậu cung quy định: “Thái giám thắp đèn không cẩn thận, ngủ gật trong giờ trực đêm, gây ồn ào, tự ý đưa chuyện trong cung ra ngoài, không phục tùng thái giám cấp trên sẽ nhận 40 roi. Nếu thái giám đưa tin đồn, xin phép về nhà mà quay lại muộn nhận 20 đến 30 gậy”.

img

Vào năm Càn Long thứ 49 (năm 1784), một thái giám xin phép nghỉ ba ngày để về thăm mẹ vì bà ốm nặng. Sau khi về nhà, mẹ mất nên thái giám đó phải làm đám tang cho mẹ. Công việc xong xuôi, anh ta vội vã trở lại cung thì muộn nửa ngày. Sau đó anh ta phải làm việc tại chuồng ngựa trong 3 năm. Vì thế, ngoài cuộc sống vật chất thiếu thốn thì áp lực tinh thần của các thái giám cũng rất nặng nề. Họ luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, luôn phải nhìn trước ngó sau.

img

Cuộc sống thường ngày bình lặng, buồn chán cũng là một sự dày vò đối với thái giám trong cung. Trong ca trực họ không có nhiều việc để làm. Khi không trực thì ngoài phục vụ đại thái giám, họ không có việc gì khác. Chỉ quanh quẩn ở một khu nhà cũng khiến họ chán chường. Ngoài ra họ còn là nơi xả những bực dọc của các đại thái giám. Theo các nhà nghiên cứu, buồn chán, bí bách, áp lực, tự ti là những “vòng kim cô” của những người thái giám. Vì thế họ trở nên nhu nhược, luôn sợ hãi. Thời nhà Thanh, rất nhiều thái giám tự sát.

img

Nhìn vào cuộc đời của một thái giám, người ta có thể dùng hai chữ “bi thảm” để miêu tả. Khi sống, thái giám không được làm người. Khi họ chết, người ta đưa xác ra khỏi cung và chôn ở ngoại thành. Những người thái giám bình thường còn không có tấm bia trên phần mộ.