Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội ồ ạt chia sẻ đoạn clip của N.V.C – người nổi danh về đào tạo marketing, dạy làm giàu... bị “bóc phốt” ngay khi đang đứng lớp dạy làm giàu.
Theo clip, khi lớp học của C. chuẩn bị bắt đầu, có 1 nhóm người vào lớp, trong đó có Lê N.T – một học viên cũ của Cường. Tại lớp, T. đã lên tiếng “bóc phốt” C. vụ lớp học 600 triệu cam kết ra 5 tỷ. Đòi tiền không được còn bị dọa giết cả nhà".
Học viên cũ "bóc phốt" ông C. tại lớp học. Ảnh cắt từ clip
Sau đó, ông Cường đã có 1 video đáp trả. Qua đó, ông C. nói sẽ “lấy 1 ngón tay hoặc 1 ngón chân” của T.
Hành vi của thầy giáo dạy làm giàu này có đe dọa xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng người khác không?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Qua clip cho thấy sự bức xúc và thể hiện thái độ quyết liệt của N.V.C với một số người khác mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân. Những lời nói của ông C có tính chất đe dọa, xúc phạm đến người khác. Hành vi này pháp luật không cho phép nên nếu có đơn thư tố cáo của những người bị đe dọa thì cơ quan công an có thể căn cứ vào quy định tại khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với người đàn ông này.
Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác ;..”
Bên cạnh đó, luật sư cũng nhận định, diễn biến sự việc thể hiện mâu thuẫn rất căng thẳng giữa đôi bên mà cách giải quyết đều không tuân thủ quy định của pháp luật. Việc nhóm người kia có mặt trước buổi giảng dạy của N.V.C để đòi tiền, có những lời nói, hành động gây mất uy tín cho người đàn ông này cũng là một hành vi không phù hợp với quy định pháp luật, gây bức xúc cho C dẫn đến lời qua tiếng lại. Nếu việc đe dọa, thách thức lẫn nhau xảy ra và kéo dài thì rất dễ xô sát, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
“Bởi vậy, cách giải quyết hợp pháp, hợp lý nhất là đưa vụ việc tới Toà án để giải quyết tranh chấp liên quan đến số tiền đó theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi cơ quan công an vào cuộc sẽ có những giải pháp để răn đe, phòng ngừa mâu thuẫn giữa hai bên có thể xảy ra.
Bản thân những lời nói, hành vi đe dọa trên mạng xã hội thì không tất yếu dẫn đến hành động tuy nhiên có thể có nguy cơ dẫn đến hành động xung đột giữa đôi bên. Vậy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ lúc đầu là hết sức cần thiết” – luật sư đưa ra lời khuyên.