Dân Việt

10 vụ chìm tàu bí ẩn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2

Đức Hải 19/10/2019 19:31 GMT+7
Trang War History liệt kê danh sách 10 chiến hạm chìm trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 song đến nay vị trí của chúng trong lòng đại dương vẫn là ẩn số với nhân loại.

img

USS-Gambier Bay (CVE-73) lớp Casablanca là tàu hộ tống sân bay của Hải quân Mỹ. Tàu triển khai hoạt động chiến đấu trong Thế chiến thứ 2 từ ngày 27/11/1944. CVE-73 có chiều dài 156 mét, rộng 19,8 mét, lượng giãn nước toàn tải 7.900 tấn. Nó có thể mang theo 28 máy bay. Ngày 25/10/1944, trong trận đánh Samar (một phần của trận hải chiến vịnh Leyte, Philippines), CVE-73 bị tàu tuần dương hạng nặng Chikuma và thiết giáp hạm Yamato của Nhật Bản đánh chìm. 71 năm trôi qua, vị trí xác tàu này trong lòng đại dương vẫn là bí ẩn chưa được khám phá.

img

USS-Lexington (CV-2) là một trong những tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ hoạt động từ ngày 7/12/1941. CV-2 có thể mang theo 78 máy bay. Trong trận đánh trên biển Coral (một vùng biển nằm giữa New Guinea và đảo Solomon) ngày 8/5/1942, CV-2 trúng hai quả ngư lôi bên mạn trái. Cùng lúc đó, 19 máy bay Aichi D3A của Nhật Bản bổ nhào ném trúng hai quả bom vào ống khói và mặt boong bên trái. Vụ tấn công khiến nhiên liệu rò rỉ và gây ra vụ nổ lớn. Sau đó, tàu khu trục USS-Phelps nhận lệnh bắn 5 quả ngư lôi đánh chìm CV-2 nhằm tránh nó rơi vào tay Nhật Bản.

img

IJN CV Hiryū là tàu sân bay hạng nhẹ thuộc hạm đội Liên hợp Nhật Bản phục vụ chiến đấu từ ngày 5/7/1939. Hiryū có lượng giãn nước toàn tải 20.570 tấn và có thể mang theo 64 máy bay chiến đấu. Trong trận đánh đảo Midway ở bắc Thái Bình Dương ngày 5/6/1942, các máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay của Mỹ tập kích dữ dội vào Hiryū. Con tàu bốc cháy và không còn khả năng cơ động. Sau đó, tàu khu trục Makigumo đã bắn ngư lôi đánh chìm tàu sân bay này. Đến nay, người ta chỉ biết rằng nó chìm ở đâu đó cách đảo Midway khoảng 240-260 hải lý.

img

Mikuma là tàu tuần dương hạng nặng lớp Mogami thuộc Hải quân Đế quốc Nhật Bản hoạt động từ ngày 29/8/1935. Nó có lượng giãn nước toàn tải 13.668 tấn. Ngày 6/6/1942, trong trận đánh Midway, Mikuma trúng 5 quả bom từ 31 máy bay Douglas SBD Dauntless. Con tàu hư hỏng nặng và không có khả năng cứu hộ. Ngày hôm sau, một tàu khu trục khác của Nhật Bản nhận lệnh đánh chìm Mikuma. 240 thủy thủ được cứu vớt, 650 thủy thủ khác mãi mãi chìm xuống đại dương cùng với nó. Người ta cho rằng, tàu chìm đâu đó ở vị trí 29°20 độ vĩ Bắc, 173°30 độ kinh Đông, xác của 650 thủy thủ có thể vẫn mắc kẹt trong thân tàu.

img

USS-Astoria (CA-34) là một tàu tuần dương hạng nặng lớp New Orleans hoạt động trong Hải quân Mỹ từ ngày 28/4/1934. CA-34 có lượng giãn nước toàn tải 9.950 tấn. Ngày 9/8/1942, trong trận chiến đảo Savo, 8 tàu chiến Nhật Bản đã tấn công 12 tàu chiến của Mỹ và Australia. CA-34 hứng chịu đợt tấn công dữ dội và biến mất dưới những con sóng với hơn một nửa thủy thủ đoàn. 3 tuần dương hạm hạng nặng chìm trong trận này. Đây là một trong những thất bại nặng nề nhất của Hải quân Mỹ. Đến nay vị trí xác tàu đắm vẫn là một ẩn số.

img

IJN Kongō là một trong 4 thiết giáp hạm cùng lớp của Hải quân đế quốc Nhật Bản do kỹ sư George Thurston thiết kế và đóng mới tại Anh. Nó là một trong những thiết giáp hạm hiếm hoi tham gia cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Kongō có lượng giãn nước toàn tải tới 36.000 tấn. Ngày 21/11/1944, trong khi đi qua eo biển Formosa, IJN Kongō trúng ngư lôi từ tàu ngầm USS Sealion của Mỹ và chìm đâu đó ở eo biển này. IJN Kongō là chiến hạm duy nhất của Nhật Bản bị đánh chìm bởi tàu ngầm trong Thế chiến thứ 2.

img

IJN Fusō là thiết giáp hạm cùng lớp hoạt động trong Hải quân đế quốc Nhật Bản từ ngày 8/11/1915. Nó có lượng giãn nước toàn tải 36.500 tấn. Ngày 25/10/1944, trong trận chiến ở eo biển Surigao, miền nam Philippines, Fuso trúng ngư lôi phóng đi từ các tàu khu trục Hải quân Mỹ. Các ngư lôi xé toạc mạn phải khiến con tàu chìm trong vòng 40 phút, chỉ 10 thủy thủ sống sót và quay về Nhật Bản. Vị trí xác tàu vẫn nằm đâu đó trên eo biển Surigao và chưa được khám phá.

img

USS-Indianapolis (CA-35) thuộc loại tàu tuần dương hạng nặng lớp Portland hoạt động trong Hải quân Mỹ 15/11/1932. Ngày 26/7/1945, chiến hạm này vận chuyển bom nguyên tử đến đảo Tinian thuộc quần đảo Mariana, bắc Thái Binh Dương nhằm chuẩn bị cho cuộc ném bom Nhật Bản. Ngày 30/7/1945, nó rời đảo Guam mà không có bất kỳ tàu hộ tống nào, không may CA-35 gặp phải tàu ngầm tuần dương I-58 của Nhật Bản. Các ngư lôi phóng đi từ tàu ngầm Nhật Bản đánh chìm CA-35 chỉ trong 12 phút. 300 thủy thủ chìm theo cùng xác con tàu, hơn 500 thủy thủ khác chết sau đó do kiệt sức và cá mập tấn công. Vị trí đắm của CA-35 vẫn là ẩn số cho đến ngày nay.

img

IJN Shinano là tàu sân bay chuyển đổi từ thiết giáp hạm lớp Yamato khi đang đóng mới nhằm bù đắp tổn thất về tàu sân bay của Nhật Bản trong trận chiến Midway. Nhà máy đóng tàu Yokosuka hoàn thành con tàu vào ngày 19/11/1944. Shinano nhận lệnh di chuyển từ cảng Yokosuka đến cảng Kure để hoàn thành quá trình trang bị. Ngày 29/11/1944, trong lúc đang di chuyển, nó lọt vào tầm ngắm của tàu ngầm USS-Archerfish (SS-311), 4 quả ngư lôi bắn đi từ tàu ngầm SS-311 dễ dàng nhấn chìm tàu sân bay Shinano xuống biển. IJN Shinano là một trong những chiến hạm đoản mệnh nhất thế giới khi bị đánh chìm chỉ 10 ngày sau khi hạ thủy. 1.435 thủy thủ mất tích theo con tàu.

img

IJN Musashi là siêu thiết giáp hạm thuộc lớp Yamato, một trong những chiến hạm mạnh nhất, nặng nhất thế giới trong Thế chiến thứ 2. Nó có lượng giãn nước toàn tải tới 72.800 tấn. Ngày 22/10/1944, Musashi cùng siêu thiết giáp hạm Yamato và nhiều tàu chiến khác rời vịnh Brunei tiến vào vịnh Leyte, Philippines trong nỗ lực đánh bại Hải quân Mỹ đóng tại đây. Ngày 24/10/1944, trong lúc quá cảnh ở biển Sibuyan, Philippines, hạm đội tàu chiến Nhật Bản bị phát hiện bởi máy bay trinh sát của Mỹ. Vài giờ sau đó, 8 máy bay ném bom bổ nhào Curtiss SB2C Helldiver cất cánh từ tàu sân bay USS Intrepid tấn công dữ dội vào Masashi. Tổng cộng Masashi trúng 17 quả bom và 20 quả ngư lôi, 1.376 thủy thủ chìm theo con tàu.