Bất kể trời nắng, trời mưa hay đêm khuya chỉ cần có sản phụ nào sắp sinh bà đều nhanh tay xách túi đồ nghề, lặn lội đến tận nhà đỡ đẻ miễn phí cho họ. Năm nay bà đã bước sang tuổi 60, cũng vừa tròn 35 năm bà gắn bó với nghề đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ tại xã Ayun.
Bà Siu Khang bên người con gái và cháu ngoại được bà đỡ đẻ bằng những kinh nghiệm sau khi đi học về
Bà Khang bộc bạch: “Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nên phần lớn người dân trong làng đều sinh ở nhà, 6 người con của tôi cũng vậy. Năm 1982, trong làng có một sản phụ tử vong sau khi sinh nên tôi bắt đầu tập làm bà đỡ từ đó. Cũng vì không có điều kiện đi học nên những kinh nghiệm tôi có được đều là của ông bà, bố mẹ truyền lại. Đến năm 2005, may mắn được huyện Mang Yang giới thiệu đi học đỡ đẻ 6 tháng ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Không những được đào tạo miễn phí về chỗ ăn ở, học phí mà khi ra về tôi còn được bệnh viện tặng túi đồ nghề gồm máy đo huyết áp, kéo, đèn pin, gói đỡ đẻ sạch, ống nghe…”.
Bộ đồ nghề đỡ đẻ của bà Khang
Được biết, trước khi đi học song song với việc đỡ đẻ bà Khang còn làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ayun. Sau khi được chọn đi học ở Bệnh viện Từ Dũ bà xin nghỉ hẳn, đi học và trở về với công việc của bà đỡ. Nơi bà sinh hoạt, nghỉ ngơi thường ngày là quán tạp hóa nhỏ chưa đầy 4m2, đây cũng là nguồn kiếm cơm duy nhất của bà. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng sau những ca đỡ đẻ bà vẫn không nhận bất cứ một đồng tiền nào của dân làng.
“Mình nghèo nhưng dân làng cũng đâu khá giả gì, cơm còn chưa đủ ăn. Lâu lâu họ có bó rau hay kg gạo thì tôi nhận thôi chứ nhận tiền ngại lắm. Trước đây, lúc chưa đi học, chưa có đồ nghề tôi cũng sợ với những ca khó sinh nhưng từ khi đi học về được tặng đồ nghề thì tự tin hẳn. Những ca khó, ví dụ như rốn ra trước hay xương chậu hẹp là tôi đề nghị người nhà chuyển lên viện ngay, chứ không phải ca nào cũng sinh ở nhà nguy hiểm lắm…”, bà Khang chia sẻ.
Bà Khang giới thiệu công cụ dự đoán ngày dự sinh của các sản phụ
Ở xã Ayun đặc biệt là làng Plei Bông, mỗi nhà đã có từ 2-3 đứa trẻ được bà Khang đỡ đẻ. Lứa lớn nhất được bà Khang đỡ đẻ cũng năm nay cũng đã hơn 25 tuổi. Riêng cháu ruột của mình bà đỡ đẻ hết 16 cháu, còn 3 cháu vì khó sinh nên được chuyển trực tiếp lên bệnh viện huyện.
Một trong những sản phụ được bà Khang đỡ đẻ, chị Thỏa (dân tộc Banar, trú tại làng Plei Bông tâm sự: “Hôm đó khoảng hơn 12h đêm, tôi đau bụng với những dấu hiệu sắp sinh nên nói với chồng đi gọi bà Khang. Cứ tưởng rằng bà không đến vì mưa rất to, với lại đêm hôm nữa nhưng bà vẫn đến tận nhà giúp 2 vợ chồng.
Hơn 2 năm sau đó, người con thứ 2 của tôi cũng chào đời khỏe mạnh dưới đôi bàn tay kỳ diệu của bà. Riêng người con út vì được thăm khám trước là khó sinh nên bà khuyên 2 vợ chồng nên sinh ở bệnh viện. Vì bà không lấy tiền nên người làng thường cho bà bó rau, kg nếp hay con gà…”.
Trong túi đồ nghề của bà luôn có đèn pin phòng trường hợp những ca sinh về đêm khuya
Trong 2 năm 2009 và 2010, bà liên tiếp nhận được giấy khen của Sở Y tế tỉnh Gia Lai và Trung tâm y tế huyện Mang Yang.
Trong 15 năm qua, tỉnh Gia Lai đã đào tạo được 213 cô đỡ thôn bản làm nhiệm vụ đỡ đẻ và kiêm luôn nhiệm vụ y tế tại các địa phương. Hầu hết cô đỡ thôn bản đều được đào tạo từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Trong 5 năm từ năm 2014 - 2018 đã có gần 1.700 sản phụ sinh tại nhà và gần 1.600 phụ nữ sinh tại cơ sở y tế được cô đỡ thôn bản hỗ trợ; gần 5.800 phụ nữ có thai được cô đỡ giới thiệu đến cơ sở y tế; có hơn 200 cuộc đẻ rơi được cô đỡ thôn bản trợ giúp… Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 850 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản thăm khám thường xuyên, 139 trường hợp được đỡ đẻ tại nhà…
Cũng nhờ những cô đỡ thôn bản mà khi các bà mẹ và trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm được chuyển đến bệnh viện kịp thời, tình trạng tai biến sản khoa trên địa bàn toàn tỉnh đã được hạn chế.