Dân Việt

Mẹ Việt nuôi con kiểu Tây

15/05/2013 17:05 GMT+7
Nhìn bữa ăn dặm của Bông với lỉnh kỉnh bát rau, tô cháo, khay thịt bò, cá hồi nghiền, nhiều người cho rằng chị Hạnh nuôi con quá cầu kỳ. Bà mẹ trẻ vẫn giữ quan điểm và cố theo đuổi đến cùng phương pháp chăm con kiểu Nhật.

Bé Bông nhà chị Hạnh ở phố Kim Ngưu, Hà Nội, vừa tròn 10 tháng tuổi, ăn dặm đã 4 tháng nay. Nhờ mẹ chồng trông con nhưng dù bận hay mệt mỏi mấy chị cũng cố tự tay chuẩn bị đồ ăn cho Bông. Chiều đi làm về, ăn uống và dọn dẹp nhà cửa xong, chị lại lích kích sơ chế 3-4 món thực phẩm, nghiền nhỏ rồi múc để riêng vào từng khay, bảo quản trong tủ lạnh. Lượng thức ăn mỗi loại trong một bữa cũng được chị cân đong đo đếm rõ bằng thìa chuyên dụng 5ml.

Đến bữa, bà nội lấy thức ăn trong mỗi khay mà chị Hạnh đã chia sẵn ra hâm nóng rồi cho cháu ăn. Một bữa ăn dặm của Bông thường có đến 4-5 bát với cháo xay nhuyễn, thức ăn đạm (cá, thịt, tôm...) và rau, tất cả đều để riêng. Mỗi muỗng cháo đút cho Bông lại kèm một thìa rau và thịt.

Chị Hạnh kể, phương pháp trên được chị học trong một tài liệu dạy nuôi con theo kiểu Nhật. "Bữa ăn dặm của người Việt mình thường chỉ có một bát, tất cả thức ăn xay lẫn vào với nhau. Còn tài liệu hướng dẫn nuôi con theo kiểu Nhật thì khuyên để riêng từng món, nhìn lỉnh kỉnh nhưng rất hiệu quả trong việc giúp con nhận biết sớm mùi vị", chị Hạnh giải thích.

Ngoài chuyện dinh dưỡng, chị còn đầu tư gần 1,5 triệu đồng để mua ghế ngồi ăn cho con. Đến bữa, Bông buộc phải ngồi một chỗ để ăn, không đi rong, không dỗ dành. Chị dặn bà nội nếu thấy cháu có biểu hiện chán ăn thì dừng ngay không ép, đến khi nào Bông thật đói mới cho ăn tiếp.

mix-1-jpg-1368514437_500x0.jpg
Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp nuôi con trước khi áp dụng cho trẻ. Ảnh minh họa.

Bước ra từ phòng thay đồ ở một bể bơi 4 mùa trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), bé Nguyễn Duy Hưng 6 tuổi trông cao lớn, rắn rỏi hơn bạn bè cùng trang lứa. Chị Tâm, mẹ của Hưng cho con đi học bơi từ hồi 4 tuổi rưỡi. Từ đó đến nay, tuần nào chị cũng cho cháu ra bể 3 lần, bất kể mùa đông hay hè. Chỉ những ngày cuối tuần mới có bố mẹ đi cùng, còn ngày thường chị nhờ các thầy cô dạy bơi tại bể để ý con. Bơi xong, Hưng tự đi tắm rửa, thay đồ rồi chờ mẹ đến đón.

Chị Tâm xác định rèn tính tự lập cho con ngay từ khi mang thai. Sinh Hưng được 2 tháng, chị đã cho con ngủ riêng, 8 tháng thì cho đi biển. Lúc Hưng 2 tuổi rưỡi, 3 tuổi, chị dạy con tự đánh răng, mặc quần áo, đi giày... Thời gian đầu vội đi làm đến mấy, chị cũng kiên nhẫn chờ con tự xỏ giày rồi mới đưa cậu đến lớp chứ kiên quyết không làm hộ.

"Làm mẹ thì ai không thương con chứ, nhưng mình muốn tạo tính tự lập cho con để cháu có thể tự làm được càng nhiều việc càng tốt, sau này đi đâu cũng không sợ. Mình là mẹ chứ không phải osin nên không thể cái gì cũng phục vụ con được, như vậy chỉ hại cháu thôi. Ngày trước, mẹ chồng phản đối nên gia đình nhiều khi mâu thuẫn, nhưng giờ thấy cháu rắn rỏi hơn bạn bè cùng lứa nên bà cũng hiểu và ủng hộ", chị Tâm chia sẻ.

Là một trong những "tín đồ" nuôi con theo kiểu Tây, chị Quỳnh Hoa, nhân viên truyền thông của một công ty điện tử, điện lạnh toàn cầu có trụ sở ở Việt Nam cho rằng: các bà mẹ Việt thường quá quan trọng hóa bữa ăn của con mà quên rằng điều cốt yếu là dinh dưỡng. Chị Hoa e ngại khi nhìn các bà mẹ ép lấy ép để con ăn hết bát cháo hay cốc sữa. Trong số bạn bè của chị, không ít người thúc con ăn đến mức các bé sợ, cứ đến bữa là khóc thét, có cháu thì ăn nhiều nhưng vẫn không lớn.

Chị Hoa rất tôn trọng nhu cầu cơ thể của Xu, con gái chị vừa tròn 3 tuổi. Bé không thích uống sữa, chị cũng không ép mặc dù biết điều đó rất bất lợi cho chiều cao của con. Thay vào đó, chị tìm cách bổ sung canxi cho con bằng những cách khác như cho ăn nhiều tôm (xay nhuyễn cả vỏ), cua, ốc. Mỗi ngày chị còn cho Xu ăn 2 hộp váng sữa. Chế phẩm từ sữa này chứa nhiều protein, canxi, khoáng chất, chất béo, nguyên tố vi lượng, vitamin... nên vừa tốt cho hệ tiêu hóa, vừa giúp con chị tăng trưởng chiều cao và khỏe mạnh hơn.

mix-2-jpg-1368514438_500x0.jpg
An toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng là những yếu tố mẹ cần quan tâm khi chọn thực phẩm bổ sung cho bé. Ảnh minh họa.

Theo chị Hoa, bữa ăn rất quan trọng nhưng không phải tất cả, vì ăn càng nhiều chưa chắc đã tốt, nhất là thói quen ăn uống của các bà mẹ Việt thường nhiều chất bột. Vấn đề là dinh dưỡng đưa vào cơ thể trẻ có cân đối và được bé hấp thụ hay không. Trong các tài liệu chị tham khảo đều nói rõ: Chỉ khi ăn ngon miệng, cơ thể mới hấp thụ tốt. Vì vậy, chị không bao giờ ép Xu ăn những thứ con không thích, mà chỉ tìm những món thay thế để bổ sung đủ dưỡng chất thiết yếu cho con.

Ngoài ra, trước khi cho con ăn sản phẩm nào, chị đều tìm hiểu rất kỹ. Đơn cử như với váng sữa, trên thị trường có rất nhiều loại nhưng sau khi tham khảo các topic trên mạng và cả ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng, chị chọn Mixxo, loại có phần váng sữa (màu vàng nhạt) nhiều hơn phần kem (màu trắng) để con được bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu mà không sợ béo phì. Ngoài ra, do là thực phẩm bổ sung nên yếu tố an toàn rất quan trọng. Loại váng sữa chị Hoa cho Xu dùng được sản xuất ở nước Đức, đạt tiêu chuẩn châu Âu và được Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn, nên chị tin tưởng cho con sử dụng lâu dài.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Cao Thị Thu Hương, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng mỗi phương pháp nuôi dạy trẻ đều có những mặt ưu và nhược điểm. Cách giáo dục và chăm sóc ra sao còn phải phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường sống ở từng nước. Đó là điều các bà mẹ cần biết trước khi áp dụng với con mình.

Đơn cử với cách cho con ăn theo kiểu Nhật mà chị Hạnh ở phố Kim Ngưu áp dụng, tiến sĩ Thu Hương phân tích phương pháp đó tốt khi giúp trẻ sớm nhận biết được mùi vị từng loại. Song, thói quen ăn uống của trẻ do mẹ hình thành từ bé. Nếu cứ quen ăn để tách riêng như vậy, khi bé đi học mẫu giáo, các cô cho ăn cháo xay lẫn, trẻ sẽ rất khó thích nghi.

Chuyên gia cho biết thêm, các nước phương Tây thường rèn tính tự lập cho trẻ từ rất sớm. Cho con ngủ riêng để trẻ không bị bện hơi mẹ là việc nên làm. Nhưng điều kiện và môi trường của họ cho phép thực hiện điều đó, bởi thời tiết bên ngoài lạnh nhưng trong nhà đều có lò sưởi, khí hậu cũng không có gió mùa nhiệt đới như ở Việt Nam.

Công tác lâu năm trong ngành dinh dưỡng, bà Hương cho biết thời gian gần đây, tỷ lệ các bà mẹ muốn nuôi con theo phương pháp nước ngoài ngày càng nhiều. Nguyên nhân chính là mẹ muốn bé khỏe mạnh, thông minh, cao lớn và hoạt náo như trẻ ở Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... Đó là mong muốn chính đáng nhưng khi áp dụng, các mẹ cần tìm hiểu rõ những điều kiện giúp họ nuôi dạy trẻ được như vậy, phân tích để thấy ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp để chọn lọc chứ không phải cứ Tây là tốt.

Theo VnExpress