Dân Việt

Cà Mau: Nhân viên bệnh viện bị tố vô trách nhiệm gây chết người

Chúc Ly 20/10/2019 13:50 GMT+7
Mới đây, bà Lê Thị Lệ (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) có đơn gửi đến Sở Y tế tỉnh Cà Mau yêu cầu làm rõ sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của bộ phận trực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC - CĐ), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đêm 20/8. Bà cho rằng chính sự tắc trách là nguyên nhân khiến bà N.N.H (SN 1944, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, mẹ bà Lệ) tử vong.

Theo trình bày của bà Lệ, trước đó bà N.N.H nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do viêm phổi, suy hô hấp, choáng nhiễm trùng. Qua thời gian điều trị, bà H đã có tiến triển tốt, cai máy thở để chuyển sang tự thở oxy, nên sáng 17/8, bệnh viện cho bà xuất viện về dưỡng bệnh.

Tối 17/8, bà H về tới Cà Mau và nhập viện tại khoa HSTC - CĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau để dưỡng bệnh. Việc bà Ngọc cai máy thở chuyển sang tự thở oxy vẫn được duy trì cho đến đêm 20/8.

Theo bà Lệ, do tình trạng bệnh lý, bà H thường bị nghẹt đờm dẫn đến khó thở. Đêm 20/8, vẫn như mọi khi ông Lê Văn Hiệp (anh của bà Lệ) thấy mẹ mình bị nghẹt đờm nên nhanh chóng gọi nhân viên điều dưỡng trực. Lúc này, nhân viên điều dưỡng hỏi số giường và nói sẽ qua liền.

“Tuy nhiên, đến 10-15 phút sau, nhân viên điều dưỡng vẫn chưa qua, lúc này tình trạng mẹ tôi bắt đầu có diễn biến xấu đi. Nóng lòng nên anh tôi đi gọi nhân viên điều dưỡng một lần nữa, lúc này nhân viên mới có mặt để thực hiện nghiệp vụ. Nhưng theo lời anh Hiệp thì nhân viên chỉ hút một lần” - bà Lệ cho biết.

Cũng theo bà Lệ, do bị nghẹt đờm quá lâu nên khi hút xong bà H có biểu hiện không thở được, người nhà gọi bác sĩ. Các bác sĩ cấp cứu cho bà H 2 lần, nhưng bà vẫn hôn mê sâu cho đến tối 29/8. Mặc dù vẫn tiến hành điều trị và cấp cứu liên tục nhưng bà H đã không qua khỏi.

img

Một phần đơn yêu cầu của bà Lệ. 

Đến ngày 12/9, bà Lệ có đơn yêu cầu gửi Sở Y tế, sau đó Sở này chuyển đơn sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau giải quyết. Ngày 9/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau có công văn trả lời đơn yêu cầu của bà Lệ.

Theo công văn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã tiến hành cuộc họp vào ngày 27/9 và nghe điều trần của các thành viên phiên trực đêm 20/8. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho rằng, nhân viên điều dưỡng thực hiện hút đờm cho bà H theo quy trình được ban hành của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau về quy trình kỹ thuật điều dưỡng hút đờm chăm sóc bệnh nhân tại khoa.

Sau khi xem xét các biên bản họp Hội đồng bệnh nhân và khoa HSTC - CĐ nhận thấy kíp trực đêm 20/8 của Khoa HSTC - CĐ thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân N.N.H đúng theo chức năng nhiệm vụ, và có sự chứng kiến của nhiều người thân các bệnh nhân nuôi bệnh gần đó.

Bệnh cạnh đó, Hội đồng chuyên môn bệnh viện cho rằng, bệnh tình của bà H chuyển biến nặng lên và tử vong 7 ngày sau đó là do có nhiều bệnh lý nặng phối hợp đã được Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán. Vì vậy, Hội đồng chuyên môn bệnh viện chưa có cơ sở xác định khả năng xảy ra sự tắc trách thiếu trách nhiệm của bộ phậm trực tại khoa HSTC - CĐ đêm 20/8.

Tuy nhiên, gia đình nhận thấy câu trả lời chưa thỏa đáng. “Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chưa đánh giá đúng sự thật, chưa đánh giá sự tắc trách, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của điều dưỡng trực. Đại diện bệnh viện căn cứ vào bệnh án của Bệnh viện Chợ Rẫy mà cho rằng mẹ tôi sức khỏe yếu, bệnh tình chuyển biến nặng và tử vong là không phù hợp. Bởi vì khi mẹ tôi được cho xuất viện trong tình tạng tỉnh táo và qua cơn nguy kịch” - bà Lệ thông tin.

Gia đình cho rằng, bà H hôn mê sâu và dẫn đến tử vong, nguyên nhân là do sự chậm trễ của nhân viên ca trực đêm 20/8. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục có đơn gửi Sở Y tế tỉnh Cà Mau để yêu cầu được giải quyết thỏa đáng.

Chiều 20/10, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Tô Minh Nghị - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Bệnh viện đã họp với ê kip trực và lấy ý kiến xác nhận của những người nuôi bệnh cùng giai đoạn đó. Ca này bệnh đã quá nặng, Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển về. Bà H đã lớn tuổi và có nhiều bệnh trong người, đa kháng thuốc. Bệnh viện đã họp và trả lời bằng văn bản cho cho người nhà; còn gia đình vẫn chưa đồng ý thì nếu cần thiết Sở sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá”.

Trong 2 ngày 19, 20/10, phóng viên liên tục liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Hoàng Sa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau để tìm hiểu vụ việc, nhưng ông Sa không bắt máy.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc.