Khởi nghiệp phóng viên tại báo Gia đình và Xã hội, hiện làm việc tại báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), cây bút sinh năm 1977 đã có nhiều năm lăn lộn, trăn trở với thể loại phóng sự, ký sự.
Từ năm 1999, anh một mình làm cuộc hành trình đến Apachải (Lai Châu) - cực Tây của Tổ quốc - và viết nên thiên phóng sự "Một mình vào Ngã ba biên giới". Trước anh, mới có nhà báo Như Phong thực hiện được "cuộc hành trình huyền thoại" này.
Tác giả Huy Minh tại buổi ra mắt sách hôm 27-10. |
Sau đó, Huy Minh tiếp tục khoác balo, tìm đến Mù Căng Chải (Lào Cai), trèo lên Fansipăng - mái nhà của Đông Dương, viết về cuộc sống vùng rừng sâu núi thẳm, về những phận người nơi đây; cùng những người lính Trường Sơn lên đỉnh Chư tan Kra ở Tây Nguyên tìm mộ đồng đội; đi đón mặt trời ở điểm cực đông của đất liền Việt Nam, tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa...
Mỗi chuyến đi với rất nhiều gian nan, bất trắc, nhưng cũng đem lại ngồn ngộn trải nghiệm, thông tin, để anh tạo nên những bài ký sự, phóng sự, ghi chép có giá trị.
Trong buổi ra mắt sách, nhà báo Như Phong - người bạn, người đồng nghiệp vong niên - của Huy Minh khẳng định, phóng sự là một thể loại khó, đòi hỏi người viết phải có tâm huyết, có sức lực và cả thời gian. Là nhà báo có tiếng với thể loại phóng sự, chính ông cũng phải tỏ ra thán phục sức đi, sức viết của chàng phóng viên chỉ bằng nửa tuổi mình.
Cuốn sách tổng hợp 16 phóng sự, ký sự, ghi chép đã đăng trên các báo của nhà báo Huy Minh. |
Theo ông Như Phong, tác phẩm báo chí của Huy Minh có giá trị ở chỗ "ăm ắp thông tin, ngồn ngộn sức sống. Nó không 'đong đưa', không 'leng keng câu chữ', không 'lung linh ngôn từ', mà nó mang đến cho người đọc một cái nhìn chân thực, thấu hiểu và chính xác".
Cuốn "Kimono trong rừng thẳm" do Công ty Liên Việt kết hợp với NXB Văn hóa Thông tin xuất bản.