Dân Việt

Phần luồng giao thông qua thị xã Cai Lậy để chuẩn bị thu phí BOT

Thế Anh 22/10/2019 17:07 GMT+7
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có thông báo kết về việc xem xét tổ chức giao thông trên QL1 đoạn qua nội đô thị xã Cai Lậy theo hướng cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ lưu thông hai chiều qua QL1 đoạn Km1987+560 - Km2014+000.

Được biết, QL.1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy thuộc Dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1987+560 - Km2014+000, hiện do Nhà đầu tư Dự án BOT (Công ty TNHH đầu tư QL.1 Tiền Giang) quản lý, khai thác và bảo trì có nhiều phương tiện tham gia giao thông. Do đó, đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt lưu thông qua các cầu hẹp, các ngày lễ, tết…nguy cơ mất ATGT tăng cao

Để đảm bảo an toàn giao thông trên QL1, Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, phối hợp với Ban ATGT Tiền Giang, Phòng CSGT Tiền Giang, Nhà đầu tư Dự án BOT khảo sát hiện trường, có biên bản thống nhất phương án tổ chức giao thông trên QL.1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy theo hướng cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ lưu thông hai chiều qua Quốc lộ 1 đoạn Km1987+560 - Km2014+000 để phân lưu lượng giao thông phù hợp.

img

Với mức thu phí 15.000 đồng/ lượt đối với xe con, dự kiến thời gian thu giá trạm BOT Cai Lậy sẽ kéo dài thành 15 năm.

Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu tình trạng các cầu hẹp trên đoạn tuyến để có giải pháp tổ chức giao thông qua các cầu phù hợp với lưu lượng giao thông và hiện trạng các cầu, có đề xuất giải pháp đề xuất cụ thể… Theo dõi lưu lượng và tình hình giao thông khu vực và đoạn tuyến để có giải pháp đề xuất giảm tốc độ trên đoạn tuyến của Ban ATGT Tiền Giang, Phòng CSGT Tiền Giang.

Cùng với đó, Vụ An toàn giao thông, tham mưu Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT đề xuất tổ chức phân luồng tổ chức giao thông trước ngày 28/10, chỉ đạo tổ chức thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT.

Đối với Nhà đầu tư BOT (Công ty TNHH đầu tư QL.1 Tiền Giang) phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên: tăng cường thực hiện công tác bảo đảm giao thông (điều chỉnh, bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo; tuần đường; phát quang, dọn cỏ bảo đảm tầm nhìn; vệ sinh, thoát nước mặt đường kịp thời...

Tổ chức thực hiện lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng tổ chức giao thông ngay sau khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền; Tổ chức tuyên truyền, phối hợp thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án tổ chức giao thông qua đoạn tuyến và khu vực, bảo đảm an ninh trật tự.

Nhà đầu tư BOT thực hiện các hạng mục còn lại (nút giao, hầm dân sinh…) theo đúng hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm ATGT, lưu thông thuận lợi, vệ sinh môi trường cho người dân; Nghiên cứu, báo cáo đề xuất mở rộng các cầu hẹp, nâng cao ATGT đoạn tuyến trong quá trình khai thác, thu phí...