Dân Việt

Mổ xẻ tính vững chắc của tăng trưởng kinh tế

Minh Huệ 23/10/2019 06:08 GMT+7
Thảo luận ở tổ chiều 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đảm bảo nhưng chưa yên tâm về tính bền vững. Đối với đề án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), cần thay đổi hình thức đầu tư chứ không nên hỗ trợ theo lối mòn, cấp cho đồng bào 1 con bò hay vài trăm con gà sẽ dễ sinh tâm lý trông chờ ỷ lại...

Chiều 22/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV tiến hành thảo luận ở tổ về 5 vấn đề: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020; Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTSMN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Tính vững chắc của tăng trưởng

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng: Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và sự vào cuộc tích cực của nhân dân, kết quả tăng trưởng kinh tế đã đạt được thành quả “kép”, tăng trưởng cao đi đôi với dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên Chính phủ cần phân tích rõ hơn về những khó khăn, thách thức cũng như có giải pháp khắc phục. Cụ thể, phát triển kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn băn khoăn về tính vững chắc của tăng trưởng, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 40%, trong khi vốn vay nước ngoài ODA còn thấp hơn nữa.

img

Những bể nước được xây dựng giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con dân tộc ở Hòa Bình. Ảnh: I.T

Theo ông Lâm, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm đang làm giảm tăng trưởng, bởi nếu huy động được các nguồn lực vào trong quá trình sản xuất, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Hay như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không tắc đường hàng giờ, người dân phải nhích từng mét trên đường thì sự lưu thông của nền kinh tế còn lớn hơn nữa để đóng góp cho tăng trưởng.

Nguyên nhân của những hạn chế trên được ông Lâm nhìn nhận chính là phản ứng của các cơ quan nhà nước với chính sách còn chậm. Vì ùn tắc đô thị là vấn đề diễn ra bao nhiêu năm nay nhưng giải pháp đưa ra chưa có triển vọng. “Còn tồn tại bao lâu nữa” - ông Lâm nêu câu hỏi khi cho rằng các giải pháp đưa ra chưa thấy triệt để. Bên cạnh đó, an ninh môi trường, nước sạch, không khí có vấn đề, rác thải ở các đô thị đang trở thành những vấn đề nóng, do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự nhất trí với báo cáo về tình hình KTXH của Chính phủ, nhưng có những điểm cần làm rõ thêm. 2019 là năm thứ 2 vượt thu ngân sách T.Ư 46.000 tỷ đồng, nhưng vẫn có địa phương chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh (hiện đạt lần lượt 97,8% và 94,6%). Tính bền vững thu ngân sách cũng cần lưu ý khi thu từ tiền đất và tài nguyên khoáng sản là chính, trong khi 3 trụ cột của nền kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, FDI và khối doanh nghiệp tư nhân đều sụt giảm (lần lượt 5,9%; 4,1% và 1,9%).

Đáng chú ý, tình trạng nợ thuế đang rất đáng lo ngại khi lên tới 80,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 39,3 nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Con số nghị quyết Quốc hội đề ra là giảm nợ thuế dưới 5% nhưng đến nay khả năng không thực hiện được. Bên cạnh đó là “điệp khúc” giải ngân chậm vốn chính sách, và năm nay còn trầm trọng hơn rất nhiều so với các năm trước khi chỉ đạt 49,1%.

“Về vấn đề này, nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật, nhưng tôi cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế như giải phóng mặt bằng chậm, giao vốn, chuyển nguồn vốn còn nhiều vướng mắc…”- bà Mai nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng chỉ ra nhiều điểm chưa yên tâm về tăng trưởng khi chưa thực sự bền vững. Tại sao đầu tư công luôn khó khăn, chậm chạp, trong khi nhiều công trình đầu tư tư nhân thì hiệu quả? Cải cách về mặt thể chế đã góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho tư nhân đầu tư nhưng vẫn còn nút thắt ở khu vực công, điển hình là giải ngân chậm, vướng mắc cơ chế chính sách.

“Mô hình tăng trưởng thời gian tới chủ yếu phải dựa vào đổi mới sáng tạo, mà muốn đổi mới không thể chỉ kêu gọi doanh nghiệp, người dân đổi mới mà dầu tiên phải là bộ máy nhà nước có dám vượt rào hay không? Đã đến lúc cần đưa ra tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện chứ không chỉ bám vào việc tuân thủ quy định”- đại biểu Cường nhấn mạnh.

Hạn chế hỗ trợ theo kiểu cấp không gà, bò

Tiếp tục góp ý vào đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTSMN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình về việc cần có đề án dành riêng cho khu vực này. Thực tế cho thấy, vùng đồng bào DTTSMN còn rất nhiều khó khăn, song cũng có tiềm năng phát triển KTXH lớn, nếu có chương trình hành động đủ tầm thì có thể góp phần thay đổi vị thế của người dân ở vùng miền núi, dân tộc. Tuy nhiên, mục tiêu đề án cần đặt ra rõ ràng hơn.

“Tôi cho rằng, muốn đạt tốc độ phát triển đột phá từ 10-15% thì không thể cứ áp dụng hỗ trợ cho đồng bào 1 con bò, vài trăm con gà, hay nhà cửa… Đấy là sản xuất ở quy mô nhỏ, không phải là con đường tạo nên sự bứt phá trong đời sống sản xuất mà không cẩn thận, cứ đi theo con đường mòn đó lại thành ra giam chân người DTTS với sản xuất nông nghiệp. Cần xem xét lại đề án, phải nghĩ tới chuyện làm thay đổi các điều kiện sản xuất kinh doanh ở khu vực đó. Ví dụ như tỉnh Điện Biên có thể phát triển tiềm năng du lịch gắn với các di tích lịch sử, đẩy mạnh kinh tế rừng, giúp đồng bào chuyển từ phát nương làm rẫy sang các sản phẩm dịch vụ. Sự thay đổi đó sẽ tạo ra thu nhập, có thể tăng 10% thậm chí gấp 2-3 lần. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước chỉ là cú hích, sự khởi đầu, làm sao chúng ta phải khơi thông, thu hút được các nguồn lực khác vào khu vực này, ví dụ như doanh nghiệp”- ông Cường nói. 

Về đề án này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Cần thiết phải ban hành đề án nhằm đáp ứng mục tiêu cố gắng dần dần giảm bớt khoảng cách giữa vùng miền núi với đồng bằng, vùng DTTS với vùng người Kinh, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu khảo sát thật kỹ, các chỉ tiêu đừng tham vọng quá lớn khi nguồn lực của chúng ta còn đang hạn chế.

“Thực tế là có những chính sách đưa xuống cơ sở, địa phương không những không mang lại niềm vui, hiệu quả mà lại còn gây mất niềm tin của đồng bào, ví dụ có chính sách chỉ xây dựng 3 năm, nhưng từ khi ban hành cho tới lúc xuống được tới xã, thôn thì đã gần hết thời gian triển khai, hoặc có chính sách ban hành nhưng lại không có kinh phí thực hiện, khiến bà con trông chờ mãi không thấy đâu. Trong khi nguồn lực khó khăn, thì lại vẫn có những chính sách thực hiện kiểu cào bằng, dàn trải, rất lãng phí”- đại biểu Hiểu nói.

Đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) băn khoăn khi đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế so với phát triển của vùng do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Cử tri than phiền việc triển khai chậm làm cho nguy cơ tác động do biến đổi khí hậu còn phức tạp hơn nữa. Cử tri bức xúc về giao thông vận tải nhưng không giải quyết căn cơ, nhiều người nói chạy trên đường quốc lộ, các tỉnh bạn đường bon bon, cứ thấy gặp ổ gà là biết vào Cần Thơ. Từ đó dẫn đến việc nơi xe chờ đường, nơi đường chờ xe, nơi giao thông cần nhưng không được đầu tư vì vậy cần quan tâm đến vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long. Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, đầu tư công cho đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp nhất cả nước, chỉ có duy nhất 1 đường.