Trước đó, như Dân trí đã thông tin, ngày 27/9, tại buổi tiếp xúc cử tri, tại Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, bà Phạm Thị Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quyết Cường, đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn cho rằng, Cục Thuế Thanh Hóa “vu khống” doanh nghiệp của gia đình bà trốn thuế.
Bà Cường cho rằng, kể từ khi Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố cho cơ quan công an, doanh nghiệp của bà đối diện với rất nhiều khó khăn. Vì mang tiếng nợ thuế nên doanh nghiệp khó làm việc với các ngân hàng, không thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh...
Trước những ý kiến phản ánh của đại diện doanh nghiệp, Cục Thuế Thanh Hóa đã "lên tiếng". Theo thông tin phản hồi tại văn bản số 4706/CT-TTKT2 của Cục Thuế Thanh Hóa, quá trình theo dõi quản lý thuế, Công ty TNHH Quyết Cường (Cty Quyết Cường) nợ thuế kéo dài từ năm 2013.
Theo hồ sơ, tính đến ngày 30/4/2018, Công ty có tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp là: 41.713.878.698 đồng, Cục Thuế Thanh Hóa đã thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2018 vẫn chưa thu được tiền thuế nợ.
Cục Thuế Thanh Hóa đã "lên tiếng" phản hồi thông tin của đại diện doanh nghiệp.
Tiếp theo, để làm rõ các sai phạm, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật, Cục Thuế Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 2381/QĐ-CT, ngày 3/8/2018 về việc thanh tra thuế tại Cty Quyết Cường.
Trên cơ sở các quy định pháp luật về thuế hiện hành, kết luận thanh tra nêu rõ: Từ năm 2013 đến hết năm 2017, Cty Quyết Cường không có các hồ sơ, sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn theo quy định. Công ty đã thực hiện chuyển nhượng, bán tài sản, hàng hóa một cách bất thường, nhưng không lập hóa đơn, không hạch toán sổ sách kế toán và kê khai thuế...
Theo Cục Thuế Thanh Hóa, từ năm 2013 đến hết năm 2017, Cty Quyết Cường có dấu hiệu tẩu tán tài sản, hàng hóa, trốn thuế với số tiền gần 61 tỷ đồng hoàn toàn có cơ sở, có đầy đủ hồ sơ và dựa trên kết quả thanh tra thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Cục Thuế Thanh Hóa cho rằng, theo hồ sơ quản lý thuế, đại diện theo pháp luật của Cty Quyết Cường là ông Trần Văn Quyết (chồng bà Cường), Giám đốc công ty; bà Phạm Thị Cường chưa bao giờ là đại diện theo pháp luật của Cty Quyết Cường.
Ngày 28/9/2018, Cục Thuế Thanh Hóa có Công văn số 4740/CT- TTr2 chuyển hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm gửi cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa để xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật; Công văn số 4741/CT-TTr2 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế.
Ngày 5/10/2018, cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa có phiếu chuyển số 164/CSĐT-PC03 về việc chuyển kiến nghị khởi tố cho Công an thị xã Bỉm Sơn để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/2/2019, cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn có Thông báo số 241/CSĐT tạm đình chỉ việc điều tra, xác minh, giải quyết kiến nghị khởi tố, khi thu thập đầy đủ tài liệu sẽ phục hồi giải quyết tiếp.
Theo Cục Thuế Thanh Hóa, sau khi đơn vị này chuyển hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm gửi cơ quan CSĐT để xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật (ngày 28/9/2018).
Đến ngày 26/11/2018, TAND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quyết định tuyên bố phá sản đối với Cty Quyết Cường.
Cũng theo Cục Thuế Thanh Hóa, số liệu trên hệ thống quản lý thuế hiện hành cho thấy, từ khi thành lập đến thời điểm phá sản, Cty Quyết Cường có số thuế nộp cao nhất (2013) là 9,38 tỷ đồng.
Vụ việc của Cty Quyết Cường hiện nay vẫn thuộc thẩm quyền thụ lý của cơ quan điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn chỉ mới có Thông báo “tạm đình chỉ việc điều tra, xác minh, giải quyết kiến nghị khởi tố” gửi Cục Thuế, khi thu thập đầy đủ tài liệu sẽ phục hồi giải quyết tiếp.
Cơ quan công an chưa có kết luận cuối cùng. Cục Thuế Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm vụ việc của Cty Quyết Cường.