Cứ theo như thông tin của báo chí đăng tải thì chỉ Công ty IB Group là đơn vị hợp pháp được sử dụng các ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh vì họ đã được phép bản quyền từ gia đình của cố nhạc sĩ, và đó là sự cho phép duy nhất ở thời điểm này. Còn Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tổ chức một đêm nhạc mang tên “Ru tình”, cũng sử dụng các ca khúc của Trịnh Công Sơn, nhưng gia đình nhạc sĩ lại lên tiếng phủ nhận việc đồng ý bản quyền cho Liên đoàn, và do đó kiên quyết phản đối.
Quảng cáo đêm nhạc “Ru tình” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội |
Từ đây thấy ra hai điều. Một là nhận thức về bản quyền, ý thức về việc xin phép bản quyền, đang còn rất yếu trong những nhà tổ chức biểu diễn ở nước ta. Họ luôn không có ý thức tự giác chấp hành luật bản quyền, cứ tìm cách lẩn tránh và lẩn trốn, ngay cả khi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc đến tận nơi, lên cả sàn diễn. Đó là cái sai vừa thuộc ý thức đạo đức của con người, vừa thuộc ý thức luật pháp của công dân.
Thứ hai, truy nguyên vì đâu có thái độ cù nhầy và trốn tránh việc bản quyền của các “ông bầu” thì nguyên nhân lại là ở Cục Nghệ thuật biểu diễn. Một cơ quan cấp Cục ở một Bộ quản lý về mặt nhà nước các hoạt động văn hóa nhưng lại lờ chuyện bản quyền tác phẩm khi cấp phép biểu diễn, đó thật là một điều kỳ cục và khó hiểu. Lẽ ra Cục Nghệ thuật biểu diễn trước khi cấp phép cho một chương trình nghệ thuật nào đó phải yêu cầu các “bầu sô” xuất trình giấy phép bản quyền cho sử dụng các tác phẩm âm nhạc sử dụng trong chương trình...
Tóm lại, trong vụ “Ru tình” này, lẽ phải thuộc về IB Group và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nếu có thể, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên ngừng lại chương trình của mình vì thiếu sự cho phép về bản quyền, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên rút lại giấy phép của mình.
Phạm Xuân Nguyên