Một lúc hai vai
Ngay sau khi Vietnam's Got Talent (VGT) phát sóng tập 7 vào tối 12.2 trên VTV3 có phần thi tài năng ca hát của cô bé 15 tuổi Lê Nguyễn Quỳnh Anh, một cơn sóng gió đã đến với cô, và với cả gia đình của thí sinh này.
Lê Nguyễn Quỳnh Anh hát trong Chương trình Vietnam's Got Talent. |
Phần trình diễn của cô không mấy ấn tượng như đoạn clip gia đình quảng cáo ban đầu, trong đó mẹ cô nói cô được thừa hưởng tài năng từ cha mẹ, ông bà, còn anh trai khen “nhỏ Út là đỉnh của đỉnh”.
Sau khi Ban giám khảo không cho Quỳnh Anh đi tiếp vào vòng trong, mẹ cô đã cầm micro phân trần bức xúc: “Tôi thấy nhiều tiết mục không hay bằng con tôi mà sao không cho cháu vào”.
Xung quanh một tiết mục dự thi bình thường nhưng chương trình lại ưu ái dành cho quá nhiều thời lượng phát sóng, đơn giản bởi họ đã tiên liệu trước, đây sẽ là một “quả bom” thu hút sự chú ý của công chúng.
Gia đình Quỳnh Anh thực sự đã nhận được một “cơn bão” từ hiệu ứng của truyền thông. Trên khắp các báo điện tử, diễn đàn, người ta gọi cô bé là “cô gái nổ”, gia đình cô là “gia đình thần gió”, “đệ nhất cao thủ chém gió”, cả nhà bị đem ra chế truyện tranh Đôrêmon...
Người ta còn sáng tác thêm những câu chuyện bịa đặt về việc trong lễ chào cờ buổi sáng thứ 2 đầu tuần, bà mẹ yêu cầu các giáo viên, học sinh trong ngôi trường tư thục mà bà lãnh đạo phải lập tài khoản trên mạng để ủng hộ tiết mục của con.
Hàng loạt những nickname “mẹ cháu quỳnh anh”, “anh trai quỳnh anh”, “bố cháu quỳnh anh” được lập trên các diễn đàn để phát biểu những câu ngô nghê có tính chất đổ thêm dầu vào lửa.
Gia đình Quỳnh Anh dù có khoa trương hay quá lời khen ngợi giọng hát tầm tầm của cô thì cũng không đáng để bị đối xử và trở thành mục tiêu cho những xúc phạm nặng nề như vậy. Nhưng họ cũng khó mà trách được ai khi đã đóng một lúc 2 vai, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân trong vụ việc ầm ĩ này, và nhóm sản xuất chương trình - là những đạo diễn giấu mặt tài ba đã có cơ hội “ngư ông đắc lợi”. Chương trình càng ầm ĩ, càng được nhắc tới nhiều thì tỉ lệ người xem càng cao, càng nhiều quảng cáo.
Bài học từ hiệu ứng ngược
Nhiều người lên tiếng phản đối nhà sản xuất VGT tại sao không biên tập, cắt bớt đoạn bà mẹ thí sinh Quỳnh Anh tranh cãi với Ban giám khảo hay đừng phát sóng clip gia đình họ khen ngợi thí sinh này trước khi cô biểu diễn tiết mục.
Nhưng thực ra, VGT là một chương trình truyền hình thực tế, theo như quan điểm của nhạc sĩ Huy Tuấn- thành viên Ban giám khảo khi được hỏi về các thảm họa xuất hiện trong VGT, thì: “Ở đâu cũng có thảm họa và những tiết mục đặc sắc. VGT là một chương trình truyền hình thực tế và chúng tôi có nhiệm vụ phản ánh đúng thực tế những gì đang diễn ra trong cuộc thi”. Thế nhưng ai cũng hiểu, cái “thực tế” mà người xem được chứng kiến ấy đã được chủ ý nhào nặn.
Trong khi các chương trình truyền hình thực tế đã quen thuộc với khán giả nhiều nước thì ở VN, nhiều khán giả vẫn chưa quen với cách tiếp nhận thông tin từ chương trình này. Bởi vậy mà họ sẵn sàng mủi lòng với những giọt nước mắt, đôi mắt rưng rưng của các nhân vật được quay cận cảnh hay dễ dàng “nổi đoá” lên với những trường hợp như của gia đình Quỳnh Anh mà không hiểu rằng cảm xúc của mình đang bị dẫn dụ bởi những bàn tay vô hình đầy chủ ý.
Đáng lẽ khi khán giả truyền hình đã có được “những cú sốc phản vệ” như trường hợp cô Lượm trong “Người xây tổ ấm”, chuyện gia đình giàu có xin tiền từ thiện phát trên Truyền hình Vĩnh Long thì họ nên bình tĩnh hơn ở trường hợp của Quỳnh Anh mới phải.
Hà Thu