Dễ bị lừa đảo
Vừa ra Hà Nội, chị Nguyễn Thị Liên (39 tuổi, đến từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phải đối mặt với vụ mất trắng tiền cọc và giấy tờ tùy thân. Chị Liên cho biết, cách đây 3 tháng, chị có ra Hà Nội làm việc, được người quen giới thiệu đi làm giúp việc gia đình qua một trung tâm giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, khi qua trung tâm này, chị được nhân viên yêu cầu phải cung cấp giấy tờ tùy thân, đóng lệ phí 500.000 đồng thì mới giới thiệu việc làm. Sau một tháng, nếu chị làm tốt, thì mới được trả lại giấy tờ và hoàn lại 200.000 tiền phí giới thiệu.
Lao động di cư tự do thường không có cơ hội tiếp cận công việc chính thức, vì vậy không có BHXH, BHYT. Ảnh minh họa: Nguyệt Tạ
“Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm”, những LĐDC sẽ được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin lao động việc làm; tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc, làm việc tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 10.000 lượt người LĐDC được tư vấn, giới thiệu việc làm; 45-50% số người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ được tư vấn việc làm và học nghề để 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công” (theo Bộ LĐTBXH) |
“Mặc dù đã làm hết một tháng, nhưng sau đó, công ty vẫn không chịu trả lại giấy tờ tùy thân và tiền cọc tôi đã đóng. Hiện giờ, tôi muốn nghỉ việc vì công việc không hợp với bản thân nhưng cũng chưa thể nghỉ việc được vì trung tâm nói cần phải làm việc 3 tháng” - chị Liên tâm sự.
Sau 2 tháng nhờ sự can thiệp của cơ quan công an, chị Liên mới lấy lại được giấy tờ tùy thân. Hiện giờ, chị được một người bạn chỉ mối đi mua đồ sắt vụn bán đồng nát. Công việc vất vả nhưng thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ chị Liên, nhiều lao động từ quê ra đang không biết phải tìm kiếm thông tin việc làm từ kênh nào, mà đều di cư tìm việc làm theo kiểu tự phát, mùa vụ. Chính bởi vậy, nguy cơ bị lừa đảo, thất nghiệp càng cao hơn.
Trong một cuộc hội thảo về tìm giải quyết việc làm bền vững cho lao động di cư (LĐDC) bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) bày tỏ lo ngại, việc di cư ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu lao động phổ thông ở đô thị ngày càng tăng, sẽ tạo ra nhiều thách thức trong việc quản lý LĐDC và đảm bảo quyền lợi an sinh - xã hội cho họ.
Cũng theo bà Hà, các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam chỉ rõ, hiện nay, có hơn 10% dân số nước ta di cư, đa số là nữ ở độ tuổi lao động. Đáng lưu ý, hơn 30% nữ LĐDC gặp khó khăn về việc làm, hơn 40% gặp khó khăn về nhà ở và hơn 90% lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, chưa tham gia BHXH. Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước cần có những chính sách và biện pháp can thiệp cần thiết để hỗ trợ tạo việc làm bền vững, chính thức cho LĐDC, nhất là LĐDC tự do.
Tăng kết nối việc làm
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), LĐDC là hiện tượng diễn ra trên toàn thế giới, tác động nhiều tới lợi ích của quốc gia phái cử, cũng như tiếp nhận lao động. Mặc dù vậy, thực tế việc tiếp nhận thông tin việc làm của LĐDC còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục hạn chế đó, tăng khả năng kết nối cung - cầu về việc làm cho LĐDC, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, từ năm 2017, Bộ LĐTBXH đã triển khai Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm”. Nội dung đáng chú ý của dự án này là hỗ trợ LĐDC từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng miền thông qua các hoạt động cụ thể: Khảo sát tình hình LĐDC, hỗ trợ LĐDC tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Kết quả điều tra, khảo sát từ dự án thể hiện rõ, lao động nông thôn và lao động vùng biên di cư thường là những lao động trẻ độ tuổi từ 18 - 35; tỷ lệ nữ giới chiếm khoảng 60%, tỷ lệ nam chiếm khoảng 40%. LĐDC chủ yếu đều nhằm mục đích tìm kiếm cho mình một công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, thực tế, khoảng 65% LĐDC không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của LĐDC trình độ thấp chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm... Bên cạnh đó, LĐDC làm nghề tự do thường không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT… dẫn tới việc quản lý việc làm của LĐDC trở nên khó khăn hơn.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời gian qua, trung tâm đã mở nhiều phiên tư vấn giới thiệu việc làm cho LĐDC, trong đó có cả LĐDC tự do. Do đa phần LĐDC tự do là lao động có trình độ phổ thông, không có kỹ thuật, nên việc kết nối cung cầu cũng gặp không ít khó khăn.
“LĐDC tự do thường thích tự tìm kiếm việc làm, nhiều người không thích bị ràng buộc bởi các hợp đồng lao động. Biết được điều này, khi tổ chức phiên giao dịch việc làm giới thiệu việc làm cho họ, chúng tôi đã phải tư vấn rất nhiều cho lao động về các chính sách, chế độ việc làm có liên quan như: Luật Lao động, hợp đồng lao động, quyền lợi, nghĩa vụ của lao động khi làm việc... để họ hiểu, khi làm việc thì chấp hành” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, mỗi năm, trung tâm thường tổ chức từ 10 - 15 phiên giao dịch giành cho nhóm lao động phổ thông, LĐDC tự do. Số lượng các phiên năm sau thường tăng so với các năm trước từ 10 - 20% do nhu cầu của thị trường. Số phiên tập trung chủ yếu vào đầu năm và cuối năm do nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp và người sử dụng thường tăng vào thời điểm đó.