Dân Việt

Nhiều vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ: Đừng để chưa đẹp đã...chết

Diệu Linh 25/10/2019 06:00 GMT+7
Tại TP.HCM mới đây liên tục xảy ra các ca tử vong vì căng da mặt và nâng ngực. Điều đáng nói, đây không phải là những ca tử vong đầu tiên, trước đó cũng xảy ra nhiều vụ tai biến nghiêm trọng khi chị em đi phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, nâng mũi, hút mỡ bụng, cắt mí, tiêm filer… ở những địa chỉ thiếu uy tín.

Chưa đẹp đã chết

Trước hai vụ tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ liên tục trong 2 ngày (14 và 18/10) tại Bệnh viện (BV) thẩm mỹ Emcas và BV Thẩm mỹ Kangnam, Sở Y tế TP.HCM đã cho thành lập Hội đồng chuyên môn cấp Sở đối với 2 sự cố y khoa này là cần thiết giúp phân tích, kết luận có hay không có sai sót chuyên môn đối với êkíp phẫu thuật có liên quan làm căn cứ xử lý (nếu có).

Cụ thể, ngày 17/10, một phụ nữ (33 tuổi) đến BV Thẩm mỹ Emcas để phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Sau khi thực hiện khám và xét nghiệm tiền mê theo quy định, BV này phẫu thuật theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, đến 20h45, bệnh nhân đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ. BV Thẩm mỹ Emcas đã hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến BV Nhân dân 115 nhưng ngày 18/10, bệnh nhân đã tử vong.

Còn ngày 14/10, một bệnh nhân nữ 59 tuổi cũng đã tử vong tại BV Chợ Rẫy do tai biến sau khi căng da mặt tại BV Thẩm mỹ Kangnam trước đó vài ngày.

Tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) đầu tháng 10 cũng liên tục tiếp nhận 2 trường hợp bị co giật, ngất xỉu sau khi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh. Một bệnh nhân là chị H.T.B. (28 tuổi, ở Hà Nội). Ngày 1/10, bệnh nhân B. đến Thẩm mỹ viện Thúy Anh để hút mỡ bụng, bắp tay sau đó dùng mỡ tự thân này tiêm vào ngực. Sau 5 tiếng làm thủ thuật, chị B. đã mệt, ngất xỉu. Tuy nhiên, Thẩm mỹ viện này không đưa chị B đi bệnh viện mà giữ lại để theo dõi, chỉ đến lần thứ 3 co giật và ngất xỉu mới được đưa đến BV Thanh Nhàn cấp cứu. Bệnh nhân B cho biết, đã xem quảng cáo trên mạng xã hội của thẩm mỹ viện này nên đã đến hút mỡ với giá 22 triệu đồng.

img

Tư vấn làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. (Ảnh: T.K)

Một bệnh nhân khác cũng đã ngất xỉu, co giật sau khi thực hiện hút mỡ bụng, mỡ bắp tay, phẫu thuật cắt mỡ, da thừa vùng bụng nên tại Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh.

Đáng nói, trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Tài chính quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cấp, ngành nghề được đăng ký của cơ sở này là chăm sóc da, làm đẹp cá nhân, phum xăm thẩm mỹ, cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng chân, móng tay; mua bán mỹ phẩm. Việc hút mỡ, nâng ngực không thuộc phạm vi hoạt động của cơ sở này.

 Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện nhan sắc ngày càng cao, kéo theo đó là các ca tử vong, nhan sắc biến dạng, tàn tật do làm đẹp xuất hiện ngày càng nhiều. Nhất là khi bệnh nhân lựa chọn làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép phẫu thuật, thủ thuật.

Làm đẹp phải thận trọng 

Việc tiêm mỡ tự thân cũng không phải đơn giản, thô sơ “hút mỡ chỗ này tiêm chỗ kia” mà mỡ hút ra phải được lọc các thành phần không cần thiết, có thể gây biến chứng rồi mới tiêm lại vào cơ thể. Đây đều là những kỹ thuật khó phải được thực hiện ở các BV có chuyên khoa thẩm mỹ, bác sĩ đào tạo bài bản, có kinh nghiệm”.

Bác sĩ Trần Sinh Lục -  chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Đại học Y Hà Nội)  

Một cô gái (27 tuổi, Hà Nội) đã tìm đến BV Da liễu T.Ư với gương mặt sưng vù, biến dạng. Các bác sĩ kinh hãi khi rạch chỗ sưng toàn ổ mủ, đã hoại tử. Cô gái cho biết một cơ sở spa đã thuyết phục tiêm 2 mũi mỡ tự thân vào rãnh cười hai bên khóe miệng để gương mặt đầy đặn hơn. Nào ngờ, chỉ tiêm một ngày mặt cô đã sưng vù. Nguyên nhân được xác định là nhiễm nấm và vi khuẩn. Các ổ mủ lan rộng khắp mặt nên các bác sĩ phải rạch nhiều vùng trên gương mặt để hút mủ. Sau điều trị hơn 1 tháng, gương mặt cô gái vẫn “nát bấy”. Việc phục hồi gương mặt xinh xắn ngày xưa cho bệnh nhân là không thể. 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (BV Da liễu T.Ư) cho biết, ông từng điều trị cho không ít các cô gái trẻ với những biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở chui, không đảm bảo. Những biến chứng này để lại những hậu quả rất nghiêm trọng như biến dạng mặt, ngực đến mù mắt, mất mũi và tệ hơn là tử vong. “Với những cô gái mới ngoài 20 mà đi tiêm chất làm đầy mũi dẫn đến mũi bị hoại tử, mù mắt hay cô gái trên bị biến dạng mặt thì thật chua xót” – bác sĩ Sơn nói.

 Theo bác sĩ Sơn, khi làm đẹp, dù là phẫu thuật hay không đụng dao kéo (tiêm filler - chất làm đầy, botox và các chất độn da) thì đều có những rủi ro nhất định. “Chẳng hạn biến chứng do tiêm filler là biến dạng, co kéo khuôn mặt do tiêm không đúng kỹ thuật. Nếu không được điều trị kịp thời có khả năng bị áp xe, dẫn đến viêm, teo tổ chức cơ. Một yếu tố khác là nếu người tiêm không nắm vững giải phẫu, khi tiêm vào mạch sẽ gây hoại tử, hoặc tổn thương chức năng đặc biệt làm tắc mạch gây mù mắt, tiêm vào các vùng khác gây hoại tử phải cắt bỏ các bộ phận đó” - bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Về hai ca tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, TS bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu T.Ư) cũng cho biết, căng da mặt bằng chất làm đầy hoặc chỉ, khách hàng có thể bị dị ứng thuốc tê hay chất làm đầy, chỉ căng da. Đã có không ít bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh mặt, gây liệt vùng cơ mặt vì căng da.

Theo bác sĩ Hà, các ca tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ phần lớn là do người thực hiện kỹ thuật không được đào tạo từ ngành y hoặc chuyên ngành thẩm mỹ. Do đó họ thực hiện không đúng kỹ thuật và “không biết sợ” những hậu quả mà khách hàng có thể phải gánh chịu.

“Để đảm bảo an toàn cho khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ phải được đào tạo bài bản, phải tư vấn kỹ cho khách hàng các nguy cơ, thậm chí phải “ngăn chặn” những khách hàng muốn làm đẹp một cách quá đà, nguy hiểm. Các sản phẩm dùng để làm đẹp cũng phải đảm bảo chất lượng, thực hiện kỹ thuật đúng vừa đủ liều, đúng vị trí, đảm bảo vô trùng…” – bác sĩ Hà nói.

Còn về các ca hút mỡ giảm béo, bác sĩ  Trần Sinh Lục -  chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, việc hút mỡ giảm béo cũng cần có nhiều lưu ý để tránh tai biến, không phải muốn hút bao nhiêu mỡ thì hút. Theo bác sĩ Lục, mỗi lần hút mỡ tối đa chỉ có phép khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể để tránh sự rối loạn chuyển hóa. Hơn nữa mỗi lần hút cũng chỉ nên làm một vùng cơ thể chứ không phải cùng lúc hút cả mỡ bụng, mỡ đùi, mỡ bắp tay… “Mỗi lít mỡ hút ra sẽ kèm theo ¼ là máu. Do đó, nếu mỡ hút càng nhiều, số lượng máu bị mất càng lớn, bệnh nhân sẽ suy yếu. Đồng thời việc tác động hút mỡ lâu, nhiều vùng cơ thể có thể khiến mạch máu bị vỡ, mỡ sẽ chui vào mạch máu gây tắc động mạch, có khiến bệnh nhân sốc, co giật, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời” – bác sĩ Lục phân tích.