Dân Việt

Nông dân SX nhỏ làm nông nghiệp thông minh thời... biến đổi khí hậu

T.S Siang Hee Tan 25/10/2019 11:09 GMT+7
Khi biến đổi khí hậu khiến việc canh tác trở nên khó khăn và khó kiểm soát hơn, hàng triệu hộ nông hộ nhỏ ở châu Á cần phải áp dụng các công nghệ và các cải tiến mới nhằm khắc phục sâu hại và bệnh dịch trên cây trồng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong khu vực.

Clip: Nông dân SX nhỏ làm nông nghiệp thông minh thời... biến đổi khí hậu

Nhìn vào các thành phố và đô thị lớn tại châu Á, có thể dễ dàng nhận thấy toàn bộ khu vực đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, sự tiến bộ và phát triển liên tục này vẫn phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp, đặc biệt là vào hàng triệu nông dân nông hộ sản xuất nhỏ, những người sản xuất ra hơn một phần ba lượng lương thực trên thế giới trên diện tích ruộng chỉ khoảng 2 ha hoặc nhỏ hơn. Họ mang trên mình trách nhiệm nặng nề khi mà nhu cầu về lương thực ngày càng tăng với dân số thế giới đã chạm mốc bốn tỉ người trong khi đó biến đổi khí hậu không ngừng đem lại những thách thức mới.

Nếu như ở khu vực thành thị, nông nghiệp theo chiều dọc có thể giúp đáp ứng những nhu cầu về lương thực, tuy nhiên, đối với những nông dân sản xuất nhỏ, họ cần phải có những đổi mới thông minh ngay từ ban đầu để giúp nâng cao sản lượng. Ví dụ như tại Việt Nam, nông dân trồng lúa phải ứng phó với nhiều loại dịch hại như bệnh rầy nâu, hay như bệnh lùn xoắn lá hay bệnh lùn lúa cỏ do vi rút gây nên. Những sâu hại và dịch bệnh này có thể làm thiệt hại cả vụ mùa. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi cách thức các loài sâu hại và bệnh dịch xuất hiện cũng như lan rộng. Do đó, người nông dân trồng lúa cần được hỗ trợ nhiều hơn và tốt hơn để xác định sớm loài sâu bệnh, từ đó có những biện pháp kịp thời để hạn chế tác động của chúng.

img

Một người nông dân đang phơi lúa tại Cát Lâm, Trung Quốc, năm 2018. An ninh lương thực châu Á phụ thuộc rất nhiều vào hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ. Ảnh: Tân hoa xã

Để hỗ trợ cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ, tổ chức CropLife Châu Á và Cơ quan Phát triển Đức GIZ đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam tổ chức tập huấn cho 17,000 nông dân dọc đồng bằng sông Cửu Long về việc sử dụng đúng các sản phẩm bảo vệ thực vật và các phương thức can thiệp khi sâu bệnh đe doạ mùa màng của họ.

Tại Việt Nam, “Dự án Sáng kiến Phát triển Lúa gạo Tốt hơn cho khu vực châu Á” (The Better Rice Innitiative Asia - BRIA) đã rất thành công trong việc hỗ trợ nông dân xác định và giải quyết các loại sâu hại và dịch bệnh trước khi chúng gây ra những thiệt hại nặng nề, giúp nâng cao thu nhập của nông dân lên tới 18%. Dự án BRIA hiện nay bắt đầu được triển khai tại Thái Lan.

Việc áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) không chỉ giúp nông dân giải quyết sâu bệnh mà còn giảm thiểu tối đa các rủi ro cho người dân và môi trường. Chẳng hạn như bằng việc xác định chính xác thời điểm và phương thức sử dụng thuốc BVTV, người nông dân có thể sử dụng một lượng thuốc BVTV ít hơn mà vẫn đem lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm và bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Những sáng kiến trên đây là một phần trong nỗ lực của ngành công nghiệp toàn cầu, thúc đẩy bởi sự đổi mới trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nhằm trang bị cho nông dân những phương thức sáng tạo và tiên tiến để thu hoạch được nhiều hơn với lượng nguyên liệu đầu vào ít hơn.

Một phương thức đổi mới khác cho nông dân Châu Á là lấy việc bảo vệ các loài thụ phấn làm trọng tâm cải tiến. Hơn 35% số cây lương thực trên thế giới phụ thuộc vào các loài thụ phấn này và nếu không có chúng thì sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người sẽ bị đe doạ. Các sáng kiến này bao gồm việc cho nông dân thuê các tổ ong để tự thụ phấn cây trồng của họ; hay địa phương hoá ứng dụng BeeConnected, một ứng dụng điện thoại kết nối những người nuôi ong với nông dân. Những sáng kiến này đã góp phần bảo tồn thành công quần thể ong, giúp thụ phấn cho nhiều loại cây trồng chính trên thế giới.

Cây trồng biến đổi gen (GMO) cũng là một một công cụ quan trọng khác trong việc giúp tăng năng suất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu về thực phẩm. Một ví dụ điển hình là giống Gạo Vàng (Golden Rice) với hàm lượng beta-carotene cao hơn – giúp nâng cao lượng vitamin A khi hấp thụ, đã được công bố thương mại hoá như một phần của dự án nhân đạo để giải quyết tình trạng thiếu vitamin A, đặc biệt là ở trẻ em. Vitamin A rất cần thiết để tạo ra làn da, hệ thống miễn dịch và thị lực khoẻ mạnh. Khi mà ít nhất hai phần ba lượng calo hàng ngày của chúng ta đến từ gạo thì việc đảm bảo rằng chúng có chứa đúng các loại vitamin và khoáng chất đồng thời tối đa hoá tác động dinh dưỡng của chúng là rất quan trọng. Cho đến nay, đã có hàng trăm giống Gạo Vàng được phát triển để phù hợp với nhu cầu địa phương.

Một trong các chương trình sáng kiến đang được triển khai toàn châu Á bởi CropLife và các đối tác trong ngành khoa học thực vật đó là chương trình “Stewardship” Hướng dẫn sử dụng sản phẩm thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Với việc sử dụng các sản phẩm BVTV một cách bền vững, nông dân có thể tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc khắc phục sâu bệnh và đảm bảo an ninh lương thực.

Từ xa xưa, lực lượng nông dân sản xuất nhỏ đã là mấu chốt giúp giải quyết vấn đề về an ninh lương thực. Tuy nhiên để họ có thể ứng phó lại những thách thức không ngừng biến đổi trong việc cung cấp đủ lương thực cho dân số đang ngày một tăng cao tại khu vực châu Á thì họ cần được trang bị bởi những công cụ mới và sáng tạo hơn. Là điểm nóng phát triển công nghệ của thế giới, châu Á có thể dẫn đầu trong việc trang bị cho các nhà sản xuất thực phẩm để ứng phó lại những thách thức to lớn này.

Bài viết được đăng bởi Tiến sĩ Siang Hee Tan - Giám đốc điều hành của CropLife khu vực châu Á. Tiêu đề do báo Dân Việt đặt lại*