ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Sáng nay (25/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có phát biểu rất đáng chú ý. Ông cho biết, qua nghiên cứu và hôm qua khi góp ý về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ông đã đề cập về việc từ chức của cán bộ, công chức nhưng dự luật không có quy định đó.
“Cán bộ, công chức chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, không cho phép người ta từ chức thì tại sao trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo lại đưa bổ sung là cho từ chức. Nếu cán bộ, công chức không cho người ta quyền được từ chức mà người ta viết đơn từ chức thì có nghĩa là vi phạm pháp luật Hai luật này cùng một cơ quan soạn thảo (Bộ Nội vụ) nhưng lại vênh điểm này. Tôi đề nghị chúng ta phải soi lại, nếu không đưa điều luật này ra thì xử lý cán bộ của chúng ta như thế nào”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (ảnh quochoi.vn).
Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã góp ý vào điều 27 sửa đổi điều khoản 1 điều 101, quy định: Đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
Theo ĐB Thủy, quy định như vậy, đối với ĐBQH hay đại biểu HĐND khi vướng vào kỷ luật rồi có đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe, nhưng có đúng là vì lý do sức khỏe không.
Theo ĐB Thủy, trên thực tế có nhiều ĐB trong quá trình nhiệm vụ bị vướng vào kỷ luật Đảng rồi làm đơn xin thôi nhiệm vụ ĐB. Đáng ra họ cứ viết thẳng ra một cách công khai minh bạch, trung thực với tổ chức, với nhân dân vì bị kỷ luật không còn xứng đáng làm ĐB nữa nên xin thôi. Chứ không phải ĐB sau vướng kỷ luật rồi lại xin nghỉ vì lý do sức khỏe, tôi thấy như vậy không đúng, ĐB không trung thực với nhân dân”, ĐB Thủy nói và cho rằng cần phải rà soát lại quy định này.
Nói về vấn đề tăng hay giảm đại biểu HĐND, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, khi bàn giảm hay tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì giảm chỗ nào cần giảm và giữ chỗ nào cần giữ.
“Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND, đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không, dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được. Ngoài ra, có thể dẫn đến việc rất phản cảm mà có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật”, tức là ĐB không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được. Nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh, không có ĐB nào có ý kiến gì cả”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.